Giao dịch nội gián

0
608

Một nhà báo, có nghề tay trái là đầu tư cổ phiếu, khoe với tôi anh vừa “trúng quả đậm”.

Nhờ nguồn tin nội bộ, anh nhanh tay mua cổ phiếu một doanh nghiệp, rồi viết bài đăng báo về chính doanh nghiệp đó. Sau khi bài báo xuất bản, giá cổ phiếu tăng kịch trần vài phiên.

“Sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán” hay nói ngắn gọn “giao dịch nội gián” là hành vi bị cấm theo Luật Chứng khoán, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt cao nhất 7 năm tù theo Điều 210 Bộ Luật Hình sự.

“Cả cái làng này làm thế”, anh trả lời khi được hỏi về hành vi vi phạm pháp luật của bản thân.

Người làm việc trong doanh nghiệp, đặc biệt là cấp quản lý, thường biết trước thông tin có thể ảnh hưởng giá cổ phiếu doanh nghiệp mình. Nếu họ lợi dụng thông tin đó để trực tiếp hoặc cung cấp thông tin cho người khác mua bán chứng khoán trước khi thị trường biết tin sẽ được lợi rất lớn. Các cổ đông khác, vô hình trung, bị thiệt hại.

Đây được coi là một trong những khuyết tật trọng yếu của thị trường chứng khoán. Vì thế, pháp luật đặt ra một số quy định để khắc phục điều này, từ việc yêu cầu cổ đông lớn, người quản lý doanh nghiệp (cổ đông nội bộ) và người liên quan (vợ/chồng, bố/mẹ, bố/mẹ vợ/chồng, con cái, anh chị em…) phải thông báo trước hoạt động mua bán cổ phiếu, cho đến việc xử lý nghiêm các giao dịch nội gián.

Tra lại lịch sử hơn 20 năm chứng khoán Việt Nam (từ phiên giao dịch đầu tiên cuối tháng 7/2000), tôi nhận thấy dường như chưa vụ giao dịch nội gián nào bị xử lý. Hầu hết vi phạm của cổ đông nội bộ và người liên quan là mua bán chứng khoán mà không thông báo trước. Các vụ việc nói trên chỉ bị xử lý hành chính, chưa có xử lý hình sự.

Một chuyên gia chứng khoán từng làm việc tại Mỹ, đầu quân cho một công ty chứng khoán Việt Nam, cho hay cô thực sự sốc khi thấy đồng nghiệp có được thông tin chưa công bố ảnh hưởng lớn đến giá cổ phiếu thì lập tức mua/bán cổ phiếu đó. Hành động tương tự ở Mỹ có thể bị truy tố. 15 năm gần đây, mỗi năm nước Mỹ có khoảng 50 vụ giao dịch nội gián bị khởi tố, theo báo cáo của Ủy ban Chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC) và UTS Business School Australia.

Hành vi gian lận của người quản lý và cổ đông lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam thực sự chưa bị xử lý đúng mức. Và hệ quả của chúng thì không hề nhỏ. Trước hết là khiến các cổ đông thiểu số, hàng trăm nghìn người sẽ chịu thiệt hại.

Bảo vệ cổ đông thiểu số được coi là một trong mười tiêu chí đánh giá môi trường kinh doanh của mỗi quốc gia. Báo cáo Doing Business của Ngân hàng Thế giới đánh giá quy định pháp luật về bảo vệ cổ đông thiểu số của Việt Nam đứng thứ 97 thế giới. Nhưng đó là đánh giá trên quy định, còn việc thực thi quy định thì không có nhiều thông tin.

Lợi nhuận từ đầu tư chứng khoán không cao với hầu hết nhà đầu tư nhỏ lẻ trong dài hạn. Nhà đầu tư nhỏ luôn phải đối mặt nhiều rủi ro do bất cân xứng thông tin, chịu thiệt hại từ giao dịch nội gián… Hệ quả là họ sẽ tìm kênh đầu tư khác như gửi tiền ngân hàng, mua bất động sản, mua vàng, ngoại tệ hoặc chuyển tiền tiết kiệm ra nước ngoài. Dòng tiền vì thế không chảy vào kinh doanh, hoặc sẽ tốn chi phí trung gian.

Việt Nam đang bước vào giai đoạn thứ hai của dân số vàng. Số người trong độ tuổi lao động cao hơn số nghỉ hưu gần hàng trăm nghìn người mỗi năm. Để giải quyết việc làm với thu nhập tốt cho hàng triệu dân cần nguồn vốn đầu tư rất lớn. Nguồn vốn này không chỉ đến từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đầu tư công, ngân hàng mà còn phải được cung cấp qua thị trường chứng khoán.

Giáo sư Trần Văn Thọ từng chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân khiến hơn 100.000 lao động phổ thông Việt Nam phải ra nước ngoài làm việc mỗi năm là do nền kinh tế của chúng ta không đủ vốn để tạo việc làm trong giai đoạn dân số vàng.

Giai đoạn dân số vàng rồi sẽ qua rất nhanh, Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa “dân số già” khi tỷ lệ người cao tuổi tính đến năm 2019 đã gần 12%, theo Tổng cục Thống kê.

Thầy giáo tôi, nhà kinh tế học nổi tiếng người Argentina Guillermo Calvo đã nói: “Dân Đông Á có tính tiết kiệm rất đặc trưng, không giống dân Nam Mỹ thích tiệc tùng”. Số tiền tiết kiệm này có thể trở thành nguồn cung vốn rất lớn cho nền kinh tế. Để biến tiền tiết kiệm thành vốn thì cần thị trường tài chính hoạt động hiệu quả. Nếu thị trường tài chính tốt, số tiền tiết kiệm này sẽ được các doanh nghiệp “vay mượn” (qua ngân hàng, cổ phiếu, trái phiếu) và dùng nó để đầu tư kinh doanh, xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc… Ngược lại, nếu thị trường tài chính không hiệu quả thì tiền tiết kiệm sẽ tồn tại dưới dạng vàng, tiền mặt, ngoại tệ hay bất động sản.

Trong điều tra doanh nghiệp về Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị các doanh nghiệp liệt kê khó khăn họ gặp phải. Từ xuất hiện nhiều nhất là “vốn”. Với một nền kinh tế luôn đói vốn như Việt Nam, khơi thông dòng vốn đổ vào sản xuất kinh doanh nên được coi là trọng tâm chính sách. Loại bỏ những hành vi trục lợi cản trở dòng vốn trên kênh chứng khoán vì vậy là việc cần làm ngay.

Nguyễn Minh Đức

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT TNHH ĐỖ GIA VIỆT

Giám đốc - Luật sư:  Đỗ Ngọc Anh Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Tổ 14 Phố Trạm, phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội.
Điện thoại: 0944 450 105
Email: luatsudongocanh@gmail.com
Hệ thống Website:
www.luatsungocanh.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai #thuhoino
Bài trướcPhiên tòa trực tuyến: Chỉ nên xét xử vụ án có chứng cứ rõ ràng
Bài tiếp theoCác hình thức góp vốn vào doanh nghiệp hiện nay