Phạm tội vì thiếu hiểu biết

0
634

Trong những năm gần đây, vì chạy theo nhu cầu phát triển kinh tế gia đình mà nhiều người dân đã vô tình hủy hoại hàng chục héc-ta rừng phòng hộ, để lại hậu quả nặng nề cho môi trường và đời sống con người. Sự thiếu hiểu biết này đã khiến họ rơi vào vòng lao lý. Hiện tại, ngoài những quy định của Bộ luật Hình sự và hướng dẫn tại Thông tư liên ngành số 19/TTLN/BNN-BTP-BCA – VKSNDTC-TANDTC ngày 08 tháng 3 năm 2007 về một số tội phạm liên quan đến lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, thì quy định của Nghị định 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản đã giúp cho cơ quan tiến hành tố tụng xử lý nhanh và hiệu quả các hành vi phạm tội liên quan[1].

Hảng A C là người đồng bào dân tốc Mông cư trú tại xã P, huyện M, tỉnh B. Ngày 4/2/12014, do thiểu hiểu biết pháp luật, C đã dùng lửa đốt rừng phòng hộ do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện M quản lý và được trồng từ năm 2006, gây thiệt hại với diện tích là 5,1 héc-ta ( 38.356.000m2) nhằm mục đích làm bãi chăn thả gia súc.

Sau khi xảy ra vụ việc, C đã đến UBND xã P để tự thú, khai báo về việc đốt rừng của mình. Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án và Viện kiểm sát nhân dân huyện M truy tố C về tội “Hủy hoại rừng” theo quy định tại Khoản 3 Điều 189 Bộ luật Hình sự. Xác định C là đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý, cơ quan điều tra huyện M đã có văn bản đề nghị Trung tâm TGPLNN tỉnh B tham gia bào chữa cho C. Trung tâm TGPLNN tỉnh B đã kịp thời cử Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ cho C trước pháp luật.

Mặc dù C đã đến cơ quan công an tự thú về hành vi đốt rừng của mình và có đơn xin trồng lại rừng cho nhà nước nhưng về phía gia đình C, đặc biệt là bố đẻ của C lại cho rằng khi C đã phải chịu phạt tù thì sẽ không thực hiện việc trồng rừng. Vì vậy, trong suốt quá trình điều tra, C đã được Ban quản lý rừng phòng hộ, chính quyền địa phương tạo điều kiện để khắc phục trồng lại rừng nhưng vì sự thiếu hiểu biết và cản trở của gia đình nên C không thực hiện việc trồng lại rừng.

Đến giai đoạn truy tố, Trợ giúp viên pháp lý tiếp tục kiên trì vận động C và gia đình trồng lại rừng. Hiểu rõ được hành vi sai trái của mình nên C đã cùng vợ đi đào hố để trồng rừng. Nhưng do diện tích quấ lớn và không có sự trợ giúp của gia đình nên vợ chồng C chỉ đào được hơn 1 héc-ta trên tổng số 5,1 héc-ta rừng bị cháy.

Trong khi đó, thời gian đưa vụ án ra xét xử đang kề cận mà C vẫn chưa hoàn thành việc trồng lại rừng. Trợ giúp viên pháp lý tiếp tục làm việc với Ban quản lý rừng phòng hộ, với C và gia đình C cùng đi đến thống nhất việc trồng lại số diện tích rừng đã bị hủy hoại. Sau khi được phân tích, giải thích về trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân đối với hành vi vi phạm đã gây ra, ngoài mức hình phạt tù sẽ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do lỗi đã gây ra. C và gia đình C đã nhận thức được hành vi vi phạm nên đã thống nhất trồng lại toàn bộ số diện tích rừng đã bị hủy hoại cho Ban quản lý rừng phòng hộ. Bên cạnh đó, vì gia đình C khó khăn, chưa thu xếp dược tiền để mua cây giống nên Ban quản lý rừng phòng hộ đã xuất cây giống trước để kịp trồng cây trong mùa mưa và yêu cầu C đến ngày 1/10/2014 mang số tiền mua cây giống còn thiếu đến nộp cho Ban quản lý rừng phòng hộ.

Tại phiên tòa sơ thẩm, Viện kiểm sát nhân dân huyện M xác định đây là vụ án điểm, cần phải xử lý nghiêm khắc mới có tính chất răn đe các đối tượng khác nên đã truy tố C theo khoản 3 Điều 189 vói hình phạt từ 7 đến 15 năm tù. Trợ giúp viên pháp lý với quan điểm của mình, đã bào chữa cho C theo hướng giảm nhẹ với những lập luận được phân tích rõ ràng, súc tích:

Thứ nhất, suy nghĩ của C chỉ đơn giản là làm thế nào để có được bãi chăn thả gia súc, nên bị cáo đã dùng lửa để đốt những cây lau, cây mua, cây cỏ dại…Khi thực hiện hành vi, C không lường trước được hậu quả của mình đã dẫn đến cháy rừng phòng hộ của nhà nước.

Thứ hai, C là người dân tộc thiểu số, sinh ra và lớn lên tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, trình độ văn hóa học hết lớp 5, do đó nhận thức về pháp luật còn nhiều hạn chế. Bản thân C chưa có tiền án, tiền sự, luôn chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật, ngoài lần phạm tội này. Ngoài ra, bản thân bị cáo hiện nay là lao động chính của gia đình, vợ bị cáo thì đang nuôi con nhỏ (sinh năm 2013).

Thứ ba, sau khi xảy ra vụ việc, bị cáo đã đến Uỷ ban nhân dân xã P để tự thú, đồng thời trong suốt quá trình giải quyết vụ án, bị cáo đã hết sức thành khẩn khai báo và hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng để việc giải quyết vụ án được thực hiện trong thời gian nhanh nhất. Điều đó được thể hiện trong hồ sơ vụ án cũng như diễn biến tại phiên toà, đây là điều kiện để bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại các điểm o, điểm p, khoản 1 điều 46 Bộ luật Hình sự (người phạm tội tự thú; người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải).

Thứ tư, sau khi thực hiện hành vi đốt rừng bị cáo đã cùng mọi người đến dập lửa, nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật và đã có đơn xin khắc phục hậu quả bằng cách trồng lại toàn bộ diện tích rừng phòng hộ đã bị cháy. Bị cáo đã cùng vợ và anh em trong gia đình đi đào hố để trồng cây trong diện tích (5,1ha) đã bị cháy, tuy nhiên bị cáo chưa trồng được rừng cho nhà nước là do còn phải chờ giống cây của lâm trường điều này chứng tỏ bị cáo đã thực sự hối lỗi. Sau khi được trợ giúp viên pháp lý hướng dẫn giải thích bị cáo và gia đình bị cáo đã nộp tiền mua cây giống để trồng lại toàn bộ số diện tích rừng bị cháy, Như vậy, cũng có thể xem đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm b, khoản 1 điều 46 Bộ luật Hình sự (người phạm tội tự nguyện khắc phục hậu quả).

Với lập luận thuyết phục, quan điểm của Trợ giúp viên pháp lý đã được Hội đồng xét xử chấp thuận, cho bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại các điểm b, o, p khoản 1 điều 46, điều 47 Bộ luật Hình sự và quyết định mức hình phạt đối với bị cáo là 05 năm tù. Đây là một bản án phù hợp với tính chất, mức độ hành vị phạm tội của C, đủ để giáo dục C thành người lương thiện, lợi ích của Nhà nước cũng được bảo đảm, tài sản bị hủy hoại được khắc phục, trách nhiệm của người dân được nâng lên.

Hành vi phạm tội của C cho thấy tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi họ không có điều kiện tiếp cận với pháp luật do đời sống còn nhiều khó khăn và trình độ hạn chế. Từ đó, nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số, cần có những biện pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự phối hợp của các cấp, các ngành trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật; phát huy sức mạnh tổng hợp, xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ hai, chú trọng xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật (đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số) để có biện pháp, kỹ năng phổ biến pháp luật dễ hiểu, phù hợp với đối tượng là người dân tộc thiểu số; có chế độ, chính sách hỗ trợ đội ngũ báo cáo viên tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.

Thứ ba, đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, chú trọng các hình thức hiệu quả, phù hợp với dặc điểm kinh tế xã hội, trình độ dân trí của cán bộ, nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số (như hình thức: Thi bằng sân khấu hóa, hội nghị tại thôn, bản, kết hợp với trợ giúp pháp lý tại địa phương).

Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thực hiện vai trò quản lý nhà nước đối với các hoạt động phổ biến, pháp luật. Kết hợp giữa phổ biến giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức, văn hóa và thông qua việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của thôn, bản.

Phòng Quản lý chất lượng

[1] Điều 189 Bộ luật hình sự quy định về tội  huỷ hoại rừng:

1. Người nào đốt, phá rừng trái phép rừng hoặc có hành vi khác huỷ hoại rừng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

c) Hủy hoại diện tích rừng rất lớn;

d) Chặt phá các loại thực vật quý hiếm thuộc danh mục quy định của Chính phủ;

đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Hủy hoại diện tích rừng đặc biệt lớn;

b) Hủy hoại rừng phòng hộ, rừng đặc dụng;

c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT TNHH ĐỖ GIA VIỆT

Giám đốc - Luật sư:  Đỗ Ngọc Anh Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Tổ 14 Phố Trạm, phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội.
Điện thoại: 0944 450 105
Email: luatsudongocanh@gmail.com
Hệ thống Website:
www.luatsungocanh.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai #thuhoino
Bài trướcÁn lệ số 40/2021/AL về công nhận việc chuyển đổi quyền sử dụng đất trên thực tế
Bài tiếp theoLuật sư uy tín tại Hà Nội