Ngày 22/4/2022, Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố vụ án liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng để điều tra về cùng hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” mà Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can trước đó. Vì sao công an tiếp tục khởi tố vụ án liên quan bà Hằng? Quy định nhập/tách vụ án hiện nay ra sao?
Về vấn đề này, Luật sư có ý kiến như sau:
Khoản 4 điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 được hiểu là tội phạm xảy ra ở địa phương nào thì cơ quan CSĐT địa phương đấy tiếp nhận xử lý, không phải theo nơi cư trú.
Trong trường hợp này, theo thông tin truyền thông, bà Hằng bị nhiều cá nhân tố giác tội phạm tại Công an TP.HCM và Công an Tỉnh Bình Dương.
Vụ án tại Công an Tp HCM, thông tin ban đầu cho biết, bà Hằng bị khởi tố theo đơn tố giác của ca sỹ Vy Oanh, như vậy việc bà Hằng thực hiện tội phạm với ca sỹ Vy Oanh tại các buổi livestream là tại TP.HCM, nên Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM thụ lý, khởi tố và điều tra vụ án là đúng thẩm quyền.
Riêng vụ án tại Bình Dương, chắc chắn không liên quan đến đơn tố giác của ca sỹ Vy Oanh, vì Cơ quan CSĐT Tp HCM đã khởi tố rồi, mà có thể liên quan đến các cá nhân khác tố cáo bà Hằng, nhiều khả năng nhắm đến hành vi livestream của bà Hằng và một số cá nhân liên quan tại công ty Đại Nam ở Bình Dương.
Hiện Cơ quan CSĐT Công an Tỉnh Bình Dương chưa khởi tố bị can vì có thể trong vụ này không chỉ khởi tố riêng bà Hằng, mà có thể còn có đồng phạm, nên việc thu thập đầy đủ chứng cứ là yếu tố cẩn trọng, để tránh làm oan người vô tội nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm.
Lưu ý: Công an tỉnh Bình Dương cho biết hiện vụ việc của bà Hằng chỉ mới khởi tố vụ án, chưa khởi tố bị can.
Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về thời điểm khởi tố vụ án, khởi tố bị can như sau:
* Thời điểm khởi tố vụ án là khi xác định có dấu hiệu tội phạm do cá nhân, pháp nhân thực hiện thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự theo quy định (Khoản 1 Điều 432; Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015).
* Thời điểm khởi tố bị can là sau khi thực hiện khởi tố vụ án và có đủ căn cứ để xác định một người hoặc pháp nhân đã thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự 2015 quy định là tội phạm thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can (Khoản 1 Điều 179 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015).
Lưu ý, có một số cơ quan điều tra khác của bộ quốc phòng, biên phòng, hải quan, kiểm lâm… có thể thực hiện toàn bộ khâu điều tra vụ án hoặc thực hiện các công đoạn ban đầu, không chỉ duy nhất cơ quan điều tra của bên công an.
Căn cứ các quy định nêu trên, dù công an TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì công an tỉnh Bình Dương vẫn có thể khởi tố vụ án liên quan đến bà Hằng. Tuy nhiên, khả năng Công an tỉnh Bình Dương có phối hợp với Công an TP.HCM nhập vụ án để để một nơi xử lý hay không thì còn phụ thuộc vào quyết định của các cơ quan này dựa trên quy định pháp luật.
Vậy việc nhập/tách vụ án hình sự được quy định thế nào?
Các trường hợp nhập vụ án hình sự
Theo khoản 1, Điều 170 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, khi có một trong những căn cứ sau, Cơ quan CSĐT có thể nhập vụ án để giải quyết:
– Bị can phạm nhiều tội;
– Bị can phạm tội nhiều lần;
– Nhiều bị can cùng thực hiện một tội phạm hoặc cùng với bị can còn có những người khác che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm, tiêu thụ tài sản do bị can phạm tội mà có.
Trong vụ án này, về pháp lý cơ quan tiến hành tố tụng có thể nhập vụ án để điều tra. Nếu nhập vụ án thì Cơ quan CSĐT Công an Tp Hồ Chí Minh nhiều khả năng sẽ là cơ quan điều tra cuối cùng.
Việc nhập vụ án được thực hiện nếu trong quá trình điều tra, cơ quan tiến hành tố tụng nhận thấy có đủ căn cứ pháp lý như nêu bên trên và xét thấy cần thiết phải nhập để xử lý vụ án một cách toàn diện, chính xác và kịp thời nhất.
Tuy nhiên, nếu đặt tính khách quan lên hàng đầu, cơ quan tiến hành tố tụng có thể không nhập vụ án trong giai đoạn điều tra mà vẫn điều tra độc lập, trên cơ sở trao đổi, thông tin chặt chẽ với nhau để xác định sự thật khách quan của vụ án. Việc nhập vụ án có thể được xem xét thực hiện trong giai đoạn xét xử tại TAND có thẩm quyền.
Các trường hợp tách vụ án hình sự
Cơ quan điều tra chỉ được tách vụ án trong trường hợp cần thiết khi không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả các tội phạm và nếu việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án.
Như vậy, hiện tại không có quy định bắt buộc phải nhập hoặc tách vụ án hình sự mà đây là quy định tùy nghi, phụ thuộc quyết định của cơ quan điều tra.
Việc nhập, tách vụ án hình sự trong giai đoạn điều tra phải thỏa mãn 02 điều kiện:
– Thứ nhất, có căn cứ pháp lý theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015;
– Thứ 2, phải có tính cần thiết, mà tính cần thiết này do cơ quan CSĐT và VKSND đánh giá trong thực tiễn điều tra vụ án, rồi mới quyết định. Luật không bắt buộc nhưng có hướng dẫn rõ.
Mức án khi tách hoặc nhập vụ án hình sự
Nếu không nhập vụ án để điều tra thì mức án sẽ là tổng hợp hình phạt của từng bản án. Còn nếu nhập vụ án để điều tra thì có thể bị truy cứu TNHS với với tình tiết tăng nặng là phạm tội 02 lần trở lên.
ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT TNHH ĐỖ GIA VIỆT
Giám đốc - Luật sư: Đỗ Ngọc Anh Công ty luật chuyên:Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy: Tổ 14 Phố Trạm, phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội.
Điện thoại: 0944 450 105
Email: luatsudongocanh@gmail.com
Hệ thống Website:
www.luatsungocanh.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai #thuhoino