Kinh doanh dịch vụ đòi nợ

0
789

Câu hỏi:

Thủ tục thành lập Công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Cần phải đáp ứng điều kiện gì để hoạt động dịch vụ đòi nợ. Quy định của pháp luật có đang dự thảo thay đổi điểm nào có lợi không?

Người gửi: Bạn Quyên.

Nội dung tư vấn:

Cảm ơn Bạn đã gửi câu hỏi về chuyên mục tư vấn của Công ty Luật Dragon. Với câu hỏi của Bạn, Chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn của mình cho Bạn như sau:

1. Căn cứ pháp lý.

– Luật đầu tư năm 2014;

– Luật số 03/2016/QH14  về sửa đổi, bổ sung điều 6 và phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của luật đầu tư;

– Nghị định số 78/2015/ NĐ-CP về đăng ký kinh doanh;

– Nghị định số 104/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ;

– Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 07 năm 2016 quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện;

– Nghị định số 50/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư,

2. Giải đáp thắc mắc.

Dịch vụ đòi nợ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên pháp luật có quy định rất chi tiết và chặt chẽ về các điều kiện để được phép kinh doanh dịch vụ này. Tuy nhiên, để phù hợp với tình hình hội nhập và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước hiện nay, pháp luật đang có dự thảo sửa đổi quy định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ, trong đó có các điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp.

2.1. Về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

a. Về nguyên tắc hoạt động dịch vụ đòi nợ.

Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải đáp ứng các yêu cầu sau: Điều 4, Nghị định số 104/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ quy định:

– “Chỉ những doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ mới được phép hoạt động dịch vụ đòi nợ;

– Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ không được kinh doanh các ngành, nghề và dịch vụ khác ngoài dịch vụ đòi nợ;

– Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ chỉ được thực hiện các biện pháp xử lý nợ phù hợp với quy định của pháp luật;

– Hoạt động dịch vụ đòi nợ thực hiện theo hợp đồng ủy quyền được ký kết giữa chủ nợ hoặc khách nợ với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ trong phạm vi quyền được pháp luật công nhận.”

Ngoài ra, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, chế độ kế toán, kiểm toán, báo cáo quy định tại điều 5 của Nghị định số 104/NĐ-CP như sau:

– “Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thực hiện nghĩa vụ nộp thuế  theo quy định của pháp luật về thuế;

– Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thực hiện chế độ kế toán, thống kê, kiểm toán, báo cáo theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp.

b. Về điều kiện thành lập công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Trước tiên, Kinh doanh dịch vụ đòi nợ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, được quy định tại điều 7 của luật đầu tư năm 2014 và phụ lục 4 của Luật số 03/2016/QH14 về sửa đổi, bổ sung điều 6 và phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của luật đầu tư.

Các điều kiện cụ thể như sau:

Thứ nhất, điều kiện về vốn: Căn cứ điều 13 của nghị định 104/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ quy định:

– “Mức vốn pháp định đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ là 2.000.000.000 đồng (Hai tỷ đồng).

– Trong suốt quá trình hoạt động, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải duy trì mức vốn điều lệ không thấp hơn mức vốn pháp định.”

Thứ hai, điều kiện về tiêu chuẩn đối với người quản lý và giám đốc chi nhánh của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ:

Căn cứ điều 14 của Nghị định 104/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ quy định: Điều kiện về tiêu chuẩn đối với người quản lý và giám đốc chi nhánh của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ:

– “Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự;

– Có trình độ học vấn từ đại học trở lên thuộc một trong các ngành: kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh;

– Không có tiền án”.

Ngoài ra, những người đã làm việc cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ khác đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phải thoả mãn thêm điều kiện là: trong ba năm trước liền kề, không giữ chức danh quản lý doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Thứ ba, điều kiện về tiêu chuẩn đối với người lao động trong hoạt động dịch vụ đòi nợ: Căn cứ điều 15 của Nghị định 104/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ quy định:

– “Người lao động được tuyển dụng theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động có xác định thời hạn từ sáu tháng trở lên;

– Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự;

– Có trình độ học vấn từ trung cấp trở lên thuộc một trong các ngành: kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh;

– Không có tiền án.”

Thứ tư, điều kiện về an ninh trật tự kinh doanh dịch vụ đòi nợ:

Ngoài những điều kiện trên, do tính chất đặc thù nên điều 3, khoản 10 của Nghị định số 96/2016/NĐ-CP quy định kinh doanh dịch vụ đòi nợ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự. Cụ thể tại điều 7 và điều 10 của Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như sau:

– “Sau khi thành lập công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ, công ty phải xin giấy phép đủ điều kiện về anh ninh trật tự đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ thì mới có thể hoạt động được;

– Ngoài ra người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải là người có hộ khẩu thường trú ít nhất 05 năm tại quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi đăng ký đặt địa điểm hoạt động kinh doanh và trong thời gian 05 năm liền kề trước thời điểm đăng ký kinh doanh không bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi: Chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, cho vay lãi nặng, đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, làm nhục người khác;

– Người đứng đầu doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và người đại diện theo pháp luật của cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải có lý lịch rõ ràng và không thuộc một trong các trường hợp sau:Tổ chức, cá nhân mà Luật Doanh nghiệp và các văn bản pháp luật khác cấm thành lập, quản lý doanh nghiệp, cấm thực hiện các hoạt động kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện về an ninh, trật tự;

– Người chưa đủ 18 tuổi, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự; người nghiện ma túy;

– Người đã bị khởi tố hình sự mà các cơ quan tố tụng đang tiến hành điều tra, truy tố, xét xử;

– Người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại phường, xã, thị trấn; đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, quản chế, cấm cư trú, bị phạt tù được hưởng án treo đang trong thời gian thử thách; người đang trong thời gian được tạm hoãn chấp hành hình phạt tù; được tạm hoãn đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục;

– Người có tiền án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia; tội do lỗi cố ý có mức án từ 10 năm trở lên hoặc các tội khác liên quan trực tiếp đến ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự; mà chưa được xóa án tích; người đã bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác nhưng chưa đủ thời hạn để được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính;

– Cơ sở kinh doanh chỉ được tiến hành các hoạt động kinh doanh sau khi có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự do cơ quan Công an có thẩm quyền cấp;

– Phải duy trì và đảm bảo thực hiện đúng các điều kiện về an ninh, trật tự trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh; chấp hành quy định về trật tự, an toàn công cộng, vệ sinh môi trường và không nằm trong khu vực, địa điểm mà pháp luật cấm hoạt động kinh doanh;

– Địa điểm kinh doanh không nằm trong khu vực cấm theo quy định của pháp luật”

2.2. Thủ tục thành lập Công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Do kinh doanh dịch vụ đòi nợ là ngành nghề kinh doanh có nhiều điều kiện phức tạp kể trên, nên việc thành lập công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sẽ có nhiều thủ tục hơn so với việc thành lập công ty thông thường. Cụ thể như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ tại phòng đăng ký kinh doanh thuộc sở kế hoạch và đầu tư.

Căn cứ tại điều 16 của nghị định 104/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ và Điều 22 của Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, hồ sơ đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ bao gồm:

– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;

– Điều lệ công ty;

– Danh sách thành viên hoặc cổ đông công ty (nếu là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc là công ty cổ phần);

– Bản sao các giấy tờ: bản sao thẻ căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, hộ chiều hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các thành viên hoặc cổ đông sáng lập; Bản sao quyết định thành lập công ty, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức; bản sao chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn hiệu lực của đại diện pháp luật của tổ chức.

Khi đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ, ngoài những quy định về hồ sơ đăng ký kinh doanh trên, doanh nghiệp phải có:

– Hồ sơ chứng minh điều kiện về vốn, gồm có:

+ “Biên bản góp vốn của các cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần hoặc của các thành viên sáng lập đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên; quyết định giao vốn của chủ sở hữu đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà chủ sở hữu là một tổ chức; bản đăng ký vốn đầu tư của chủ sở hữu doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân và đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà chủ sở hữu là cá nhân;

+ Đối với số vốn được góp bằng tiền, phải có xác nhận của ngân hàng thương mại được phép hoạt động tại Việt Nam về số tiền ký quỹ của các thành viên sáng lập. Số tiền ký quỹ phải bằng số vốn góp bằng tiền của các thành viên sáng lập và chỉ được giải toả sau khi doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ;

+ Đối với số vốn góp bằng tài sản, phải có chứng thư của tổ chức có chức năng định giá ở Việt Nam về kết quả định giá tài sản được đưa vào góp vốn. Chứng thư phải còn hiệu lực tính đến ngày nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền.”

– Hồ sơ chứng minh điều kiện về tiêu chuẩn đối với người quản lý và giám đốc chi nhánh của doanh nghiệp gồm có:

+ “Bản sao hợp lệ bằng tốt nghiệp đại học thuộc một trong các ngành quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định này. Trường hợp bằng tốt nghiệp do nước ngoài cấp, thì phải được dịch ra tiếng Việt Nam và công chứng;

+ Phiếu lý lịch tư pháp.”

Trường hợp cá nhân là người nước ngoài, phải có giấy chứng thực của chính quyền nước sở tại về việc cá nhân đó không có tiền án ở nước đó. Giấy chứng thực này phải được dịch ra tiếng Việt Nam và công chứng.

Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ (Khoản 1, điều 28 của luật doanh nghiệp) Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ (Khoản 1, điều 28 của luật doanh nghiệp).

Bước 2: Công bố thông tin đăng ký kinh doanh.

Theo quy định tại điều 33 của luật doanh nghiệp 2014, điều 55 của nghị định 78/2015/ NĐ-CP về đăng ký kinh doanh:

– “Doanh nghiệp sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, phải thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo trình tự, thủ tục trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được công khai.

– Nội dung công bố bao gồm: Nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Ngành nghề kinh doanh; danh sách cổ đông sáng lập.”

Theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Nghị định 50/2016/NĐ-CP thì nếu doanh nghiệp có hành vi không công bố hoặc công bố không đúng thời hạn quy định nội dung đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Bước 3: Khắc dấu và công bố mẫu dấu.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2014, doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, nội dung, số lượng con dấu. Nội dung con dấu phải thể hiện được các thông tin: tên doanh nghiệp, mã số doanh nghiệp.

Theo quy định tại khoản 4, điều 15 của  nghị định 96/2015/NĐ-CP quy định về con dấu doanh nghiệp: Doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp có trụ sở chính để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Bước 4: Xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự và quản lý công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Căn cứ tại điều 19 của nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự bao gồm:

– “Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự;

– Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của công ty Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;

– Bản sao hợp lệ các giấy tờ tài liệu chứng minh bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với khu vực kinh doanh và kho bảo quản nguyên liệu, hàng hóa;

– Bản khai lý lịch kèm theo phiếu lý lịch tư pháp hoặc Bản khai nhân sự của người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh.”

Theo quy định tại điều 23, nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định:

– Công ty nộp 01 bộ hồ sơ trên cho cơ quan Công an có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận. Công ty có thể nộp trực tiếp hồ sơ đề nghị, gửi chuyển phát qua đường bưu điện hoặc nộp qua cổng thông tin điện tử quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự của Bộ Công an.

– Thời hạn giải quyết: 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.”

Bên cạnh đó, tại điều 25 của 96/2016/NĐ-CP công ty phải thực hiện những công việc sau:

– “Trong thời hạn không quá 05 ngày kể từ ngày bắt đầu hoạt động kinh doanh, phải có văn bản thông báo kèm theo bản sao Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự gửi cho Công an xã, phường, thị trấn nơi cơ sở hoạt động kinh doanh;

– Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hàng quý hoặc đột xuất về tình hình an ninh, trật tự theo hướng dẫn của Bộ Công an;

– Trong thời hạn không quá 20 ngày kể từ khi bắt đầu hoạt động, cơ sở kinh doanh có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan Công an có thẩm quyền các tài liệu sau đây:

+ Danh sách những người làm việc trong cơ sở kinh doanh;

+ Bản khai lý lịch, Bản khai nhân sự của người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh, trừ người đứng tên trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự;

+ Các tài liệu chứng minh cơ sở kinh doanh đảm bảo đủ các điều kiện đối với từng loại ngành, nghề quy định tại các Điều 8, 11 và Điều 12 Nghị định này;

+ Thống kê phương tiện phục vụ cho công tác bảo vệ (nếu có)”

2.3. Dự thảo quy định mới của pháp luật về kinh doanh ngành nghề đòi nợ

Hiện nay, pháp luật Viêt Nam đang có dự thảo sửa đổi những quy định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ, trong đó chúng ta cần lưu ý một số điểm mới có lợi sau đối với các chủ thể kinh doanh dịch vụ này:

– Trong tất cả các điều khoản được bổ sung, sửa đổi, có lẽ điều khoản có lợi nhất cho nhà đầu tư, kinh doanh đang mong muốn thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ là điều khoản quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, cụ thể như sau:

– Tại nghị định 104/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ có quy định một loạt các điều kiện cụ thể về vốn trên 2 tỉ đồng và duy trì trong suốt thời gian hoạt động; điều kiện tiêu chuẩn về người quản lý và giám đốc; điều kiện về kinh tế, an ninh, trật tự; điều kiện tiêu chuẩn người lao động trong doanh nghiệp; điều kiện về hồ sơ chứng minh có lý lịch tư pháp… Đây được xem là những điều kiện vô cùng “khắt khe” với những chủ thể kinh doanh dịch vụ đòi nợ mà trên thực tế, có lẽ đã không còn phù hợp. Chính vì thế, tại dự thảo sửa đổi quy định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã bãi bỏ hầu hết điều kiện kể trên, chỉ giữ lại quy định điều kiện về an ninh trật tự.

– Ngoài ra, dự thảo cũng đã bổ sung thêm trường hợp: “Các doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và doanh nghiệp đã thông báo công khai về ngành, nghề kinh doanh trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, trong đó có ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ” chứ không cần thiết phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ như quy định hiện hành tại điều 4 của nghị định số 104/2007/NĐ-CP . Điều này sẽ giúp thực hiện các thủ tục hành chính nhanh gọn hơn khi doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ tiến hành đăng ký doanh nghiệp. Quan trọng hơn, theo quy định này các doanh nghiệp kinh doanh các ngành, nghề và dịch vụ khác ngoài dịch vụ đòi nợ cũng sẽ được phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Ngoài những sửa đổi có lợi trên, còn có rất nhiều những sửa đổi khác. Ta có thể kể đến những sửa đổi về: quy định về quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Theo đó, quy định cụ thể hơn trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ được quy định ngắn gọn hơn. Quy định về điều kiện an ninh trật tự và biện pháp áp dụng xử lý đối với vi phạm về an ninh trật tự sẽ được thực hiện theo quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về vấn đề thành lập công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ và những điểm có lợi trong dự thảo quy định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ, hi vọng chúng tôi đã có thể giải đáp được thắc mắc của bạn.

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT TNHH ĐỖ GIA VIỆT

Giám đốc - Luật sư:  Đỗ Ngọc Anh
Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Văn phòng luật sư Hải Phòng: Số 102, Lô 14 đường Lê Hồng Phong, Phường Đằng Lâm, Quận Hải An, Hải Phòng.
Điện thoại: 0944 450 105
Email: luatdogiaviet@gmail.com
Hệ thống Website:
www.luatdogiaviet.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai #thuhoino
Bài trướcLấy lại mặt bằng thuê nhà khi chưa hết hạn hợp đồng?
Bài tiếp theoTội xâm phạm chỗ ở của người khác theo quy định Bộ luật Hình sự