Luật sư bào chữa phải xuất trình các giấy tờ gì? Tiếp nhận hồ sơ và đăng ký bào chữa theo thủ tục thế nào?

0
172

Khi đăng ký bào chữa, luật sư bào chữa phải xuất trình các giấy tờ gì? Tiếp nhận hồ sơ và đăng ký bào chữa theo thủ tục thế nào? Văn bản thông báo luật sư bào chữa có giá trị sử dụng như thế nào?

Khi đăng ký bào chữa, luật sư bào chữa phải xuất trình các giấy tờ gì?

Căn cứ theo khoản 2, khoản 3 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định khi đăng ký bào chữa, luật sư bào chữa phải xuất trình các giấy tờ như sau:

– Luật sư xuất trình Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và giấy yêu cầu luật sư của người bị buộc tội hoặc của người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội;

– Người đại diện của người bị buộc tội xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân kèm theo bản sao có chứng thực và giấy tờ có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về mối quan hệ của họ với người bị buộc tội;

– Bào chữa viên nhân dân xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân kèm theo bản sao có chứng thực và văn bản cử bào chữa viên nhân dân của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận;

– Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý xuất trình văn bản cử người thực hiện trợ giúp pháp lý của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và Thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực.

* Trường hợp chỉ định luật sư bào chữa thì luật sư bào chữa phải xuất trình các giấy tờ như sau:

– Luật sư xuất trình Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và văn bản cử luật sư của tổ chức hành nghề luật sư nơi luật sư đó hành nghề hoặc văn bản phân công của Đoàn luật sư đối với luật sư hành nghề là cá nhân;

– Bào chữa viên nhân dân xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân kèm theo bản sao có chứng thực và văn bản cử bào chữa viên nhân dân của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận;

– Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý xuất trình Thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và văn bản cử người thực hiện trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.

Tiếp nhận hồ sơ và thực hiện đăng ký bào chữa thực hiện theo thủ tục thế nào?

Về thủ tục tiếp nhận hồ sơ và thực hiện đăng ký bào chữa thực hiện theo Điều 6 Thông tư 46/2019/TT-BCA như sau:

– Trực ban hình sự của Cơ quan điều tra hoặc trực ban hình sự của từng đơn vị điều tra (trong trường hợp không tổ chức trực ban hình sự chung) có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ đăng ký bào chữa.

+ Khi nhận được hồ sơ đăng ký bào chữa, trường hợp Cơ quan điều tra tổ chức trực ban hình sự chung thì cán bộ trực ban hình sự có trách nhiệm ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm nhận vào sổ trực ban hình sự, chuyển ngay cho đơn vị thụ lý vụ án để đóng dấu văn bản đến và giao ngay cho Điều tra viên được phân công giải quyết vụ án.

+ Trường hợp đơn vị điều tra tổ chức trực ban hình sự riêng, cán bộ trực ban hình sự có trách nhiệm đóng dấu văn bản đến, ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm nhận và chuyển ngay cho Điều tra viên được phân công giải quyết vụ án.

– Điều tra viên có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ. Trường hợp hồ sơ bảo đảm theo quy định tại khoản 2 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì Điều tra viên có trách nhiệm trình Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra (khi được Thủ trưởng phân công hoặc ủy quyền) ký Thông báo về việc đăng ký bào chữa và vào sổ đăng ký bào chữa.

Trường hợp hồ sơ đăng ký bào chữa chưa bảo đảm theo quy định thì Điều tra viên hoặc Cán bộ điều tra thông báo cho người đăng ký bào chữa biết để bổ sung hồ sơ.

Trường hợp luật sư bào chữa làm thủ tục đăng ký bào chữa cho những người đã có quyết định của Viện trưởng Viện kiểm sát để luật sư bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra thông báo cho người đăng ký bào chữa biết.

– Thời hạn giải quyết thủ tục đăng ký bào chữa được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 là 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ quy định.

– Cơ quan đang thụ lý vụ án có trách nhiệm từ chối việc đăng ký bào chữa khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và hủy bỏ việc đăng ký bào chữa theo quy định tại khoản 7 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi có căn cứ từ chối hoặc từ khi hủy bỏ việc đăng ký bào chữa, cơ quan đang thụ lý vụ án có trách nhiệm thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do từ chối, hủy bỏ việc đăng ký bào chữa cho luật sư bào chữa, cơ sở giam giữ.

Trường hợp Cơ quan đang thụ lý vụ án hủy bỏ thông báo luật sư bào chữa thì phải thông báo cho tổ chức quản lý luật sư bào chữa bằng văn bản và nêu rõ lý do hủy bỏ.

Cụ thể tại khoản 5, khoản 7 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định:

5. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng từ chối việc đăng ký bào chữa khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 72 của Bộ luật này;

b) Người bị buộc tội thuộc trường hợp chỉ định luật sư bào chữa từ chối luật sư bào chữa.

7. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hủy bỏ việc đăng ký bào chữa và thông báo cho luật sư bào chữa, cơ sở giam giữ khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Khi phát hiện luật sư bào chữa thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 72 của Bộ luật này;

b) Vi phạm pháp luật khi tiến hành bào chữa.

Văn bản thông báo luật sư bào chữa có giá trị sử dụng như thế nào?

Căn cứ theo khoản 6 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có quy định:

6. Văn bản thông báo luật sư bào chữa có giá trị sử dụng trong suốt quá trình tham gia tố tụng, trừ các trường hợp:

a) Người bị buộc tội từ chối hoặc đề nghị thay đổi luật sư bào chữa;

b) Người đại diện hoặc người thân thích của người bị buộc tội quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này từ chối hoặc đề nghị thay đổi luật sư bào chữa.

Theo đó văn bản thông báo luật sư bào chữa có giá trị sử dụng trong suốt quá trình tham gia tố tụng, trừ khi luật sư bào chữa bị từ chối hoặc thay đổi theo hai trường hợp nêu trên.

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT TNHH ĐỖ GIA VIỆT

Giám đốc - Luật sư:  Đỗ Ngọc Anh
Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Văn phòng luật sư Hải Phòng: Số 102, Lô 14 đường Lê Hồng Phong, Phường Đằng Lâm, Quận Hải An, Hải Phòng.
Điện thoại: 0944 450 105
Email: luatdogiaviet@gmail.com
Hệ thống Website:
www.luatdogiaviet.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai #thuhoino
Bài trướcLuật sư tư vấn ly hôn trọn gói tại Hà Nội
Bài tiếp theoTheo quy định của pháp luật hiện hành, luật sư bào chữa được tham gia tố tụng từ giai đoạn nào?