Theo Bộ luật Lao động 2019, từ ngày 01/01/2021, một số trường hợp được ký nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.
Những trường hợp được ký nhiều lần HĐLĐ xác định thời hạn từ 2021 (Ảnh minh họa)
Cụ thể, tại Điều 20 Bộ luật Lao động 2019 quy định loại hợp đồng lao động:
“1. Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:
a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;
b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
2. Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì thực hiện như sau:
a) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; trong thời gian chưa ký kết hợp đồng lao động mới thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên được thực hiện theo hợp đồng đã giao kết;
b) Nếu hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn mà hai bên không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
c) Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng lao động xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn, trừ hợp đồng lao động đối với người được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn nhà nước và trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 149, khoản 2 Điều 151 và khoản 4 Điều 177 của Bộ luật này.”
Theo quy định trên, những trường hợp sau đây có thể ký nhiều lần HĐLĐ xác định thời hạn:
– Người được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn nhà nước;
– Sử dụng người lao động cao tuổi;
– Sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
– Gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm kỳ cho người lao động là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đang trong nhiệm kỳ mà hết hạn hợp đồng lao động.
Hướng dẫn cách ghi tiền lương trong hợp đồng lao động
Cách ghi tiền lương trong hợp đồng lao động (HĐLĐ) hiện nay được hướng dẫn cụ thể tại Nghị định 05/2015/NĐ-CP và Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH, cụ thể:
Tiền lương của NLĐ trong HĐLĐ phải bao gồm các nội dung sau
– Mức lương;
– Phụ cấp lương;
– Hình thức, thời hạn trả lương;
– Các khoản bổ sung khác.
Cách ghi tiền lương trong HĐLĐ
(1) Mức lương
Ghi mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do NSDLĐ xây dựng theo quy định của pháp luật lao động mà hai bên đã thỏa thuận. Đối với NLĐ hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán.
(Khoản 1 Điều 4 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH).
(2) Phụ cấp lương
Ghi các khoản phụ cấp lương mà hai bên đã thỏa thuận, cụ thể:
– Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong HĐLĐ chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ.
– Các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của NLĐ.
(Khoản 2 Điều 4 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH).
(3) Hình thức, kỳ hạn trả lương
**Hình thức trả lương
– NSDLĐ có quyền lựa chọn hình thức trả lương theo thời gian, sản phẩm hoặc khoán. Hình thức trả lương đã chọn phải được duy trì trong một thời gian nhất định; trường hợp thay đổi hình thức trả lương, thì NSDLĐ phải thông báo cho NLĐ biết trước ít nhất 10 ngày.
– Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của NLĐ được mở tại ngân hàng. Trường hợp trả qua tài khoản ngân hàng, thì NSDLĐ phải thỏa thuận với NLĐ về các loại phí liên quan đến việc mở, duy trì tài khoản.
Trong đó:
– Tiền lương theo thời gian (theo tháng, theo tuần, theo ngày hoặc theo giờ) được trả cho NLĐ hưởng lương theo thời gian, căn cứ vào thời gian làm việc thực tế theo tháng, tuần, ngày, giờ, cụ thể:
+ Tiền lương tháng được trả cho một tháng làm việc xác định trên cơ sở HĐLĐ;
+ Tiền lương tuần được trả cho một tuần làm việc xác định trên cơ sở tiền lương tháng nhân với 12 tháng và chia cho 52 tuần;
+ Tiền lương ngày được trả cho một ngày làm việc xác định trên cơ sở tiền lương tháng chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của pháp luật mà doanh nghiệp lựa chọn, nhưng tối đa không quá 26 ngày;
+ Tiền lương giờ được trả cho một giờ làm việc xác định trên cơ sở tiền lương ngày chia cho số giờ làm việc bình thường trong ngày theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Lao động.
– Tiền lương theo sản phẩm được trả cho NLĐ hưởng lương theo sản phẩm, căn cứ vào mức độ hoàn thành số lượng, chất lượng sản phẩm theo định mức lao động và đơn giá sản phẩm được giao.
– Tiền lương khoán được trả cho NLĐ hưởng lương khoán, căn cứ vào khối lượng, chất lượng công việc và thời gian phải hoàn thành.
Căn cứ các hình thức trả lương nêu trên, tính chất công việc và điều kiện sản xuất, kinh doanh, NSDLĐ lựa chọn và ghi hình thức trả lương bảo đảm tiền lương được trả gắn với kết quả công việc. Việc lựa chọn hoặc thay đổi hình thức trả lương phải thể hiện trong HĐLĐ và thỏa ước lao động tập thể.
(Điều 94 Bộ luật Lao động 2012; Điều 4 Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH).
**Kỳ hạn trả lương
Kỳ hạn trả lương được ghi căn cứ vào quy định sau:
– NLĐ hưởng lương giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thoả thuận, nhưng ít nhất 15 ngày phải được trả gộp một lần.
– NLĐ hưởng lương tháng được trả lương tháng, cụ thể:
+ NLĐ được trả tháng một lần hoặc nửa tháng một lần và được trả vào thời điểm trả lương.
+ Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và được ấn định vào một thời điểm cố định trong tháng.
– NLĐ hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thoả thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.
(Điều 95 Bộ luật Lao động 2012; Điều 5 Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH).
(4) Các khoản bổ sung khác
Ghi các khoản bổ sung mà hai bên đã thỏa thuận, cụ thể:
– Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong HĐLĐ và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.
– Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận HĐLĐ, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của NLĐ.
– Đối với các chế độ và phúc lợi khác, như tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 Bộ luật lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi NLĐ có thân nhân bị chết, NLĐ có người thân kết hôn, sinh nhật của NLĐ, trợ cấp cho NLĐ gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác thì ghi thành mục riêng trong HĐLĐ.
(Khoản 3 Điều 4 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH).
ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT TNHH ĐỖ GIA VIỆT
Giám đốc - Luật sư: Đỗ Ngọc Anh Công ty luật chuyên:Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy: Tổ 14 Phố Trạm, phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội.
Điện thoại: 0944 450 105
Email: luatsudongocanh@gmail.com
Hệ thống Website:
www.luatsungocanh.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai #thuhoino