Không đủ yếu tố cấu thành tội phạm đối với người cướp tiền giả

0
378

Sau khi nghiên cứu bài viết: “Cướp tài sản là tiền giả phạm tội gì?” của tác giả Vũ Văn Hoàng ngày 13/7/2015, tôi có quan điểm khác với 3 quan điểm mà tác giả đưa ra.

Thứ nhất, Đối với quan điểm cho rằng tiền mà Công an thu giữ được từ A là tiền giả, do đó, A phạm tội Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả theo quy định tại khoản 2 Điều 207 BLHS.

Xét về mặt chủ quan của tội phạm Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì chủ thể thực hiện hành vi phải biết đó là tiền giả. Tuy nhiên, trong trường hợp trên, mặc dù A có hành vi vận chuyển  số tiền 45 triệu đồng gồm 100 tờ 200.000 đồng và 50 tờ 500.000 đồng được xác định là tiền giả. Nhưng trong nhận thức của A hoàn toàn không biết số tiền trên là tiền giả. Hay nói cách khác, A cho rằng đó là tiền thật. Do đó, không có căn cứ để kết tội A phạm tội Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả theo quy định tại khoản 2 Điều 207 BLHS 2015.

Thứ hai, Đối với quan điểm cho rằng trường hợp này A phạm tội Cướp tài sản theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 168 BLHS.

Mặc dù, hành vi chiếm đoạt tiền của A đã thỏa mãn dấu hiệu về mặt khách quan của Tội cướp tài sản; lỗi của A là cố ý với mục đích là chiếm đoạt tài sản của hai cô gái. Tuy nhiên, khách thể của tội cướp tài sản là quyền sở hữu tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân và quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe của con người, đối tượng tác động của hành vi phải là tài sản. Theo quy định về tài sản tại Điều 105 BLDS thì: “1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. 2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”. Như vậy, đối tượng tác động của tội Cướp tài sản là tài sản được quy định trong Bộ luật Dân sự, bao gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tiền mà A chiếm đoạt là tiền giả và quyền sở hữu tiền giả không được pháp luật bảo hộ. Do đó, A không phạm tội cướp tài sản.

Thứ ba,  Đối với quan điểm cho rằng trong trường hợp này phải kết tội A về tội Gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 318 BLHS.

Trong tội Gây rối trật tự công cộng thì người phạm tội thực hiện hành vi gây rối bằng nhiều phương thức khác nhau như: dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; đập phá các công trình ở nơi công cộng. v.v.. với lỗi cố ý. Trường hợp này, mục đích của A là chiếm đoạt tài sản (xâm phạm quyền sở hữu tài sản) của hai cô gái sau đó tẩu thoát, hành vi của A cũng chưa gây thiệt hại hay ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh trật tự. Do đó, A không phạm tội Gây rối trật tự công cộng.

Căn cứ vào các quy định của BLHS, Điều 13 BLTTHS về nguyên tắc suy đoán vô tội, Điều 105 BLDS thì hành vi của A không đủ yếu tố cấu thành tội phạm đối với các tội danh thuộc ba quan điểm mà tác giả đưa ra. Đối với hai cô gái là chủ nhân của số tiền giả có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả quy định tại Điều 207 BLHS.

Trên đây là quan điểm đưa ra trao đổi cùng tác giả bài viết và quý bạn đọc cùng đồng nghiệp./.

HỒ QUÂN (Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 4) 

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT TNHH ĐỖ GIA VIỆT

Giám đốc - Luật sư:  Đỗ Ngọc Anh Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Tổ 14 Phố Trạm, phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội.
Điện thoại: 0944 450 105
Email: luatsudongocanh@gmail.com
Hệ thống Website:
www.luatsungocanh.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai #thuhoino
Bài trướcĐịnh tội danh theo Điều 314 BLHS, cần có hướng dẫn cụ thể
Bài tiếp theoMột số vấn đề pháp lý rút ra từ Quyết định Giám đốc thẩm một vụ án tranh chấp hợp đồng hứa thưởng