Vướng mắc trong thời gian chờ kết luận giám định chất ma túy

0
597

Do thời gian giám định các chất nghi ma túy ngắn (09 ngày theo điểm c khoản 1 Điều 208 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 hoặc từ 02 – 11 ngày theo Thông tư số 46/2013/TT-BCA ngày 05/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định quy trình giám định ma túy nhóm opiats) nên cơ quan ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp hay giữ người theo thủ tục hành chính gặp nhiều khó khăn, vì phải chờ kết luận của cơ quan giám định để làm cơ sở xử lý hoặc áp dụng các biện pháp tiếp theo, trong khi việc giám định chất ma túy khá phức tạp (xác định có phải chất ma túy hay không, loại ma túy, trọng lượng, hàm lượng,…) nên khó đưa ra kết luận trong thời gian ngắn. Đề nghị có hướng dẫn cụ thể.

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định chặt chẽ về thời hạn tạm giữ, cụ thể: “Thời hạn tạm giữ không quá 03 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú. Trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá 03 ngày. Trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá 03 ngày” (khoản 1 và khoản 2 Điều 118). Do đó, các cơ quan tiến hành tố tụng phải chấp hành nghiêm thời hạn này. Trên thực tế, để bảo đảm nhanh chóng, kịp thời làm rõ các dấu hiệu để có căn cứ ra quyết định tạm giữ, nhất là trong các vụ việc cần phải thực hiện giám định về chất ma túy thì bên cạnh việc trưng cầu giám định, các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải tiến hành các biện pháp nghiệp vụ khác.

Bàn về quy định việc giám định chất ma túy

Ngày 17/9/2014,Tòa án nhân dân tối cao ban hành Công vănsố: 234/TANDTC-HS Hướng dẫn việc giám định hàm lượng ma túy, có nêu: “Bắt buộc phải giám định hàm lượng của các chất ma túy trong các chất thu giữ nghi là chất ma túy, để lấy đó làm căn cứ kết tội các bị cáo theo quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999″. Như vậy, theo nội dung công văn nói trên thì bắt buộc phải giám định hàm lượng của các chất ma túy trong mọi trường hợp, việc hướng dẫn như trên dẫn đến một số khó khăn trong công tác đấu tranh, phòng chống loại tội phạm này.

Để tháo gỡ vấn đề này, ngày 14/11/2015 các cơ quan trung ương gồm: Bộ công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và Bộ tư pháp đã ban hành Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP sửa đổi một số điều của Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và Bộ tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật hình sự năm 1999. Tại khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP quy định chỉ bắt buộc giám định hàm lượng trong những trường hợp:

“2. Sửa đổi, bổ sung tiết 1.4 mục 1 Phần I như sau:

1.4. Trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại và trọng lượng chất ma túy, tiền chất thu giữ được. Bắt buộc phải trưng cầu giám định hàm lượng để xác định trọng lượng chất ma túy trong các trường hợp sau:

a, Chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch;

b, Chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng;

c, Xái thuốc phiện;

d, Thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần”.

Ngoài các trường hợp trên, Thông tư liên tịch này còn quy định, nếu có căn cứ và xét thấy cần thiết thì Tòa án có quyền trực tiếp trưng cầu giám định “Ngoài các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d tiết 1.4 Mục này, nếu có căn cứ và xét thấy cần thiết, Tòa án trực tiếp trưng cầu giám định để bảo đảm việc xét xử đúng pháp luật”.

Theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội đã quy định: “1. Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, Bộ luật Hình sự năm 2015 được áp dụng như sau: …

i) Trường hợp chất thu giữ được nghi là chất ma túy ở thể rắn đã được hòa thành dung dịch, chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng, xái thuốc phiện hoặc thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần quy định tại các Điều 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì phải xác định hàm lượng chất ma túy làm cơ sở để xác định khối lượng hoặc thể tích chất ma túy thu giữ được. Đối với các trường hợp khác thì thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13″.

Tại khoản 5 Điều 206 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định, quy định: 5. Chất ma tuý, vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, tiền giả, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ.;”

Ngày 03/7/2017, Tổng cục Cảnh sát – Bộ công an đã ban hành Công văn số 2101/C41-C44 Hướng dẫn giải quyết các vụ án về ma túy, trong đó đã nêu rất rõ: “Trong kết luận giám định phải xác định rõ về chất ma túy để phù hợp với quy định của Bộ luật hình sự; không được kết luận “là chế phẩm Hêrôin”, “có thành phần Hêrôin”  hoặc “có Hêrôin” mà phải thống nhất trả lời kết luận là “Mẫu bột/tinh thể/viên nén gửi giám định là ma túy/tiền chất, có trọng lượng (khối lượng)…gam (kilôgam) là (loại): Hêrôin (Cocain, Amphetamine, Methamphetamin, MDMA….)”.

Như vậy, với quy định rất cụ thể tại điểm i khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số: 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội; Thông tư liên tịch số 08/2015 /TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 14/11/2015 và Công văn số 2101/C41-C44 ngày 03/7/2017 của Tổng cục cảnh sát đã tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc khi giải quyết án ma túy, góp phần trong việcgiải quyết các vụ án về ma túy đạt hiệu quả, đúng pháp luật, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm./.

Tác giả bài viết: Thanh Tú – VKSND huyện Hướng Hóa

Công ty luật Ngọc Anh – Luật sư bào chữa hình sự uy tín

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT TNHH ĐỖ GIA VIỆT

Giám đốc - Luật sư:  Đỗ Ngọc Anh Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Tổ 14 Phố Trạm, phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội.
Điện thoại: 0944 450 105
Email: luatsudongocanh@gmail.com
Hệ thống Website:
www.luatsungocanh.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai #thuhoino
Bài trướcBộ luật tố tụng hình sự 2015
Bài tiếp theoThế nào là “khiêu dâm” quy định tại khoản 1 Điều 147 Bộ luật hình sự?