Cá nhân được phép kêu gọi từ thiện theo nghị định 93/2021 có hiệu lực ban hành 11/12/2021

0
394

Thạc Sĩ Luật Sư Nguyễn Minh Long Tham Gia Chương Trình An Ninh Tivi Liên Quan Đến Nghị Định 93/2021

Cá nhân được phép kêu gọi từ thiện theo nghị định 93/2021 có hiệu lực ban hành 11/12/2021 đã thỏa mãn tiêu chí cho sự minh bạch và là hành lang pháp lý để giải quyết tranh chấp liên quan đến từ thiện.

  1. Trước tiên xin Luật sư giải thích rõ hơn về các trường hợp cá nhân được tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện? Và những quy định mới này có ý nghĩa như thế nào trong giai đoạn hiện nay?

Nghị định 93/2021 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo vừa được ban hành có hiệu lực từ ngày 11/12/2021. Một trong những điểm mới của Nghị định này cho phép cá nhân được phép kêu gọi từ thiện song phải tuân thủ một số quy định.

Theo quy định điểm h khoản 1 điều 2 Nghị định 93 thì “Cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.”. Như vậy, cá nhân muốn vận động, tiếp nhận và phân phối nguồn đóng góp tự nguyện phải thỏa mãn 2 tiêu chí:

Thứ nhất, có đầy đủ năng lực hành vi dân  sự. Theo quy định của BLDS 2015, người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự là người từ 18 tuổi trở lên,  trừ trường hợp bị mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi ( quy định tại điều 22,23,24 BLSDS)

Thứ 2: Mục đích của  việc vận động tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Điểm mới này là phù hợp với thực tiễn, mở rộng đối tượng tham gia, nâng cao hiệu quả công tác vận động. Nghị định  64 chỉ cho phép cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ cùng các cấp ở địa phương; cơ quan thông tin đại chúng, quỹ từ thiện… được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ.

Việc mở rộng thêm đối tượng  cá nhân, với sức ảnh hưởng của mình, đặc biệt là các nghệ sỹ lớn đã kêu gọi từ thiện vô cùng hiệu quả.

Nghị định 93/2021 được ban hành là hành lang pháp lý cho các cá nhân từ thiện chân chính; cũng là căn cứ để giải quyết các vấn đề phát sinh từ từ thiện do cá nhân thực hiện nếu có.

  1. Vâng có thể nói, bên cạnh dịch bệnh covid hiện nay, với đặc thù của một đất nước nhiều thiên tai như nước ta, thì việc những người nổi tiếng đứng ra huy động, quyên góp tiền từ thiện để giúp đỡ người dân là rất cần thiết.

Tuy nhiên, thời gian qua, việc người nổi tiếng kêu gọi từ thiện cũng gây ra không ít tranh cãi về tính công khai, minh bạch, và cơ quan chức năng cũng đã phải vào cuộc. Vậy theo Luật sư, Nghị định 93 đã khắc phục được điều này, và cần bổ sung thêm những quy định cụ thể như thế nào?

Với Nghị định 93, hoạt động từ thiện của cá nhân đã được ghi nhận và mở rộng quyền của họ bằng việc cấm các hành vi: Cản trở hoặc ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp.

Quy trình vận động, tiếp nhận, phân phối của cá nhân cũng được quy định cụ thể. Theo đó, cá nhân chỉ cần thông báo trên phương tiện truyền thông về hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận đối với tiền, địa điểm đối với hiện vật, thời gian cam kết phân phối.

Các thông tin nói trên phải gửi đến UBND cấp xã nơi cư trú để lưu trữ, theo dõi, giám sát và cung cấp thông tin khi có yêu cầu.

Về quy định định mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại đối với cá nhân quyên góp, luật sư nhấn mạnh đây là điểm khác biệt so với Nghị định 64.

Cụ thể, theo khoản 2 Điều 17 của Nghị định 93, cá nhân phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện. Đồng thời, phải có biên nhận các khoản quyên góp từ thiện nếu các nhà hảo tâm có yêu cầu.

Theo Nghị định mới, cá nhân có quyền đứng ra tiếp nhận nguồn từ thiện nhưng UBND cấp xã là đơn vị chủ trì phân phối. Ủy ban cũng là nơi xác định phạm vi, đối tượng, mức và thời gian hỗ trợ để phân phối nguồn từ thiện. Khi cần thiết, cấp xã phải liên hệ với UBND tỉnh, thành phố để được hướng dẫn.

Bên cạnh đó, cá nhân phải ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật. Khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu, người kêu gọi quyên góp có nghĩa vụ cung cấp thông tin.

Nghị định 93/2021 hướng dẫn công tác từ thiện của cá nhân theo hành lang pháp lý, là giải pháp phù hợp để khắc phục những tồn tại trong công tác từ thiện

Theo ý kiến của Thạc sĩ Luật sư Nguyễn Minh Long, Nghị định vẫn còn một số điểm chưa rõ ràng và cần phải có cụ quy định cụ thể hơn.

Thứ nhất, trong quy định của Nghị định chưa nêu rõ về quy mô, định lượng số tiền kêu gọi từ thiện áp dụng vì rất nhiều trường hợp kêu gọi từ thiện với số tiền rất nhỏ nhưng nếu áp dụng các thủ tục nêu trên thì rất phức tạp.

Thứ hai, cần làm rõ hơn đối tượng áp dụng của Nghị định, giữa cá nhân kể gọi từ thiện và cá nhân được ủy thác từ bạn bè, họ hàng để từ thiện. Những trường hợp này có cần thiết phải công khai trên phương tiện thông tin đại chúng hay cần thiết phải thông báo công khai hay báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước địa phương.

Thứ ba, cần có quy định về trình tự thủ tục trong trường hợp cứu trợ khẩn cấp. Vì thực tế, trong trường hợp cấp thiết nếu thực hiện đầy đủ các thủ tục nêu trên sẽ rất mất thời gian, gây ảnh hưởng tới hiệu quả của công tác từ thiện. Có chăng nên có quy định về thủ tục rút gọn trong trường hợp cứu trợ khẩn cấp.

  1. Thêm một vấn đề nữa là: Nghị định quy định các cá nhân phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận. Rõ ràng, câu chuyện “sao kê” cũng rất nóng trong thời gian qua. Vậy theo Luật sư cá nhân khi mở tài khoản riêng để quyên góp từ thiện cần phải lưu ý những vấn đề gì để tạo sự công khai, minh bạch?

Để đảm bảo sự công khai minh bạch, theo ý kiến cá nhân của tôi, các cá nhân mở tài khoản để kêu gọi từ thiện cần:

Thứ nhất, Chỉ sử dụng 1 tài khoản duy nhất cho một lần kêu gọi từ thiện (có cam kết về thời gian kết thúc tiếp nhận) giúp tách bạch nguồn tiền từ thiện với nguồn tiền cá nhân của người kêu gọi từ thiện, công tác kiểm kê, sao kê chứng minh số tiền quyên góp được sẽ thuận tiện hơn nhiều.

Thứ 2, Không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết và có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện.

Thứ 3, ghi chép, sao kê đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện theo đối tượng, địa bàn được hỗ trợ, bao gồm những khoản tiếp nhận có điều kiện, địa chỉ cụ thể (nếu có), thực hiện công khai theo các nội dung quy định trên các phương tiện truyền thông và gửi kết quả bằng văn bản tới UBND cấp xã nơi cư trú để niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan trong 30 ngày.

  1. Tuy là cá nhân tham gia được tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện, nhưng rất cần sự phối hợp, hỗ trợ của địa phương nơi tiếp nhận hỗ trợ. Vậy trách nhiệm của địa phương như thế nào trong trường hợp này thưa Luật sư?

Mục 2 của Nghị định quy định về trường hợp cá nhân vận động, tiếp nhận phân phối nguồn đống góp tự nguyện cũng đã quy định rõ trách nhiệm của địa phương trong trường hợp này, cụ thể:

Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm lưu trữ để theo dõi và cung cấp thông tin khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân đóng góp hoặc nhận hỗ trợ và cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm ( Khoản 1 điều 117).

Ủy ban nhân dân nơi tiếp nhận hỗ trợ chủ trì, phối hợp với Ban Vận động cùng cấp (nếu có) hướng dẫn cá nhân về phạm vi, đối tượng, mức hỗ trợ, thời gian thực hiện phân phối nguồn đóng góp tự nguyện và tạo điều kiện, đảm bảo an toàn cho hoạt động hỗ trợ; cử lực lượng phối hợp tham gia phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khi cần thiết hoặc theo đề nghị của cá nhân (khoản 2 điều 18)

Mặt trận tổ quốc các tiếp nhận nguồn đóng góp tự nguyện còn dư trong trường hợp cá nhân kêu gọi từ thiện chuyển và  thực hiện các chính sách an sinh xã hội bảo đảm phù hợp với mục tiêu đã cam kết với tổ chức, cá nhân đóng góp (khoản 4 điều 18).

  1. Rõ ràng, với Nghị định 93 càng góp phần khẳng định: làm từ thiện không phải theo “cảm tính” mà cần phải tuân thủ theo các quy định pháp lý. Vậy các cơ quan chức năng cũng như những người tham gia đóng góp cần phải phát huy quyền kiểm tra, giám sát của mình như thế nào, để niềm tin được đặt đúng chỗ thưa Luật sư?

Cơ quan chức năng cần tăng cường công tác giám sát hoạt động từ thiện, tạo điều kiện cho các tổ chức , cá nhân thực hiện việc vận động, phân phối từ thiện.

Đối với người tham gia đóng góp thì cần sáng suốt lựa chọn các nhà kêu gọi uy tín; đồng thời phải góp phần tạo nên sự minh bạch bằng cách đề nghị các cá nhân kêu gọi minh bạch, công khai các khoản kêu gọi cũng như quá trình giải ngân tiền từ thiện.

Ngoài ra, cá nhân tổ chức vận động quyên góp, cần thể hiện rõ sự minh bạch, công khai, hướng dẫn tận tình cho người quên góp về cách thức đóng góp, nội dung chuyển khoản vào tài khoản đóng góp và nắm bắt nội dung văn bản pháp luật hướng dẫn để phối hợp với Chính quyền tốt hơn trong khâu tổ chức vận động, tiếp nhận phân phối nguồn đóng góp, nâng cao hiệu quả cho công việc cũng như nâng tầm vị thế của chính mình.

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT TNHH ĐỖ GIA VIỆT

Giám đốc - Luật sư:  Đỗ Ngọc Anh
Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Văn phòng luật sư Hải Phòng: Số 102, Lô 14 đường Lê Hồng Phong, Phường Đằng Lâm, Quận Hải An, Hải Phòng.
Điện thoại: 0944 450 105
Email: luatdogiaviet@gmail.com
Hệ thống Website:
www.luatdogiaviet.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai #thuhoino
Bài trướcQuy định của pháp luật về tội cướp tài sản mới nhất
Bài tiếp theoVăn phòng luật sư tư vấn miễn phí tại Hà Nội