Nhân thân người phạm tội có liên quan chặt chẽ với chủ thể của tội phạm. Chủ thể của tội phạm là một con người cụ thể đã thực hiện hành vi nguy hiểm đáng kể cho xã hội, có năng lực trách nhiệm hình sự, và có thể cần một số đặc điểm đặc biệt khác (đối với chủ thể đặc biệt)
1.Tuổi chịu trách nhiệm hình sự
Con người từ khi sinh ra đã có ý thức nhưng không phải có ý thức là có năng lực trách nhiệm hình sự mà phải qua một quá trình phát triển về tâm, sinh lý trong điều kiện xã hội nhất định thì năng lực đó mới hình thành. Chúng ta đã biết, năng lực trách nhiệm hình sự là năng lực tự nhận thức về tính nguy hiểm của hành vi và khả năng điều khiển hành vi của con người. Mỗi người có sự phát triển bình thường về tâm, sinh lý đến một giai đoạn nhất định trong đời sống sẽ hoàn thiện năng lực này và khi đó họ được coi là chủ thể của tội phạm. Giai đoạn hoàn chỉnh này trong đời sống của mỗi cá nhân được luật hình sự mỗi nước trên thế giới quy định không giống nhau. Việc làm này phù hợp với sự phát triển tâm, sinh lý (thể chất, trí tuệ) của con người ở mỗi quốc gia vào từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Chẳng hạn, tuổi chịu trách nhiệm hình sự ở Anh là từ 8 tuổi, ở Mỹ và các nước đạo Hồi (Ai-cập, Irắc, Li-băng…) là từ 7 tuổi, ở Nga từ 14 tuổi, ở Thuỵ Điển từ 15 tuổi, ở Canada từ 12 tuổi, Pháp từ 13 tuổi…v.v…
Điều 12 Bộ luật hình sự Việt Nam quy định: “Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.
Quy định trên đây của luật hình sự Việt nam dựa trên những khảo sát về tâm, sinh lý của người Việt nam. Đồng thời, nó cũng xuất phát từ yêu cầu của chính sách hình sự nước ta và yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm ở tuổi vị thành niên, chính sách xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội. Theo quy định này, người từ chưa đủ 14 tuổi trở xuống sẽ được xem là không có năng lực trách nhiệm hình sự và không phải chịu trách nhiệm hình sự. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi được xem là năng lực trách nhiệm hình sự còn hạn chế và chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự trong những trường hợp nhất định (tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng). Người từ đủ 16 tuổi trở lên được xem là người có năng lực trách nhiệm hình sự đầy đủ và phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.
So với Bộ luật hình sự năm 1985, chế định tuổi chịu trách nhiệm hình sự được quy định trong Bộ luật hình sự năm 1999 đã thu hẹp phạm vi xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội. Điều 58 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: “Người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về những tội phạm nghiêm trọng do cố ý. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm”. Việc sửa đổi này của Bộ luật hình sự năm 1999 có ý nghĩa hết sức quan trọng. Một mặt, nó xuất phát từ thực tế tình hình người chưa thành niên phạm tội, yêu cầu đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm do người chưa thành niên thực hiện. Mặt khác cũng xuất phát từ chính sách nhân đạo của Nhà nước ta trong việc xử lý người chưa thành niên phạm tội mà trong quá trình thực thi Bộ luật hình sự năm 1985 thấy rằng khá nghiêm khắc đối với họ. Việc phân loại tội phạm thành bốn nhóm của Bộ luật hình sự hiện hành đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện chế định tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo hướng thu hẹp phạm vi xử lý hình sự người chưa thành niên.
Thông thường, một người không mắc bệnh dẫn đến mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi (quy định tại Điều 13) và đạt độ tuổi nhất định (quy định tại Điều 12) được xem là có năng lực trách nhiệm hình sự và có thể trở thành chủ thể của tội phạm. Những người đạt các điều kiện chung đó được xem là chủ thể thường của tội phạm. Tuy nhiên, trong Bộ luật hình sự, có một số tội phạm mà nếu chỉ thoả mãn các điều kiện của chủ thể thường của tội phạm thì không thể trở thành chủ thể của các tội phạm đó mà đòi hỏi phải có thêm một số dấu hiệu đặc biệt tuỳ theo tội phạm đó là tội phạm gì. Những chủ thể như thế lý luận Luật hình sự gọi là chủ thể đặc biệt của tội phạm.
2.Chủ thể đặc biệt của tội phạm
Như đã đề cập, chủ thể của tội phạm thông thường đòi hỏi phải đáp ứng dấu hiệu năng lực trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, đối với những tội phạm cụ thể cần phải có những dấu hiệu đặc trưng khác mà không có nó thì người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không thể trở thành là chủ thể của tội phạm đó được. Những chủ thể đòi hỏi dấu hiệu đặc biệt như vậy gọi là chủ thể đặc biệt.
Chủ thể đặc biệt = Chủ thể thường + (những) dấu hiệu đặc biệt. Những dấu hiệu đặc biệt có thể thuộc một trong các dạng sau: 128 – Các dấu hiệu liên quan đến chức vụ, quyền hạn. Ví dụ, tội tham ô tài sản (Điều 278 Bộ luật hình sự) đòi hỏi dấu hiệu đặc biệt của chủ thể phải là người có chức vụ, quyền hạn trực tiếp quản lý tài sản. – Các dấu hiệu liên quan đến nghề nghiệp, công việc. Ví dụ, tội cung cấp tài liệu sai sự thật, tội khai báo gian dối (Điều 307 Bộ luật hình sự) yêu cầu chủ thể phải là người giám định, người phiên dịch hoặc người làm chứng. – Các dấu hiệu liên quan đến nghĩa vụ. Ví dụ, tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự (Điều 259 Bộ luật hình sự) yêu cầu chủ thể phải là người đang ở tuổi mà theo quy định của pháp luật phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. – Các dấu hiệu liên quan đến tuổi. Ví dụ, tội giao cấu với trẻ em (Điều 115 Bộ luật hình sự) đòi hỏi chủ thể phải là người đã thành niên (đủ 18 tuổi). – Các dấu hiệu liên quan đến giới tính. Ví dụ, tội hiếp dâm (Điều 111 Bộ luật hình sự) đòi hỏi chủ thể phải là nam giới.79 – Các dấu hiệu liên quan đến quan hệ, họ hàng. Ví dụ, tội ngược đãi nghiêm trọng hoặc hành hạ cha mẹ, vợ chồng, con cái (Điều 151 Bộ luật hình sự) đòi hỏi chủ thể phải là cha mẹ, vợ chồng, con cái. – Các dấu hiệu khác. Ví dụ, tội giết con mới đẻ (Điều 94 Bộ luật hình sự) đòi hỏi chủ thể phải là bà mẹ mới sinh. Các đặc điểm của chủ thể đặc biệt là bắt buộc và có ý nghĩa quyết định trong việc định tội. Tuy nhiên, đối với các vụ phạm tội do đồng phạm, các dấu hiệu của chủ thể đặc biệt chỉ đòi hỏi đối với người thực hành, những người khác không cần các dấu hiệu đặc biệt của tội phạm đó. Ví dụ, nếu A là người tổ chức cho B (người thực hành, nam giới) hiếp dâm C thì A có thể không phải là nam giới vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm.
3.Vấn đề nhân thân người phạm tội trong luật hình sự
Nhân thân người phạm tội là một phạm trù rất phức tạp, được nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực, nhiều góc độ khác nhau (Triết học, Xã hội học, Tâm lý học, Tội phạm học…). Theo luận điểm C. Mác thì nhân thân người phạm tội là tổng hợp các đặc điểm, đặc tính khác nhau thể hiện bản chất xã hội, cá biệt và tính không lặp lại của người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm. Các đặc điểm, đặc tính này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc cá thể hoá trách nhiệm hình sự và hình phạt, ảnh hưởng lớn đến cải tạo, giáo dục và phòng ngừa người phạm tội. Những đặc điểm, đặc tính đó mang tính chất chính trị xã hội, tâm lý, đạo đức, sinh lý của người phạm tội. Nó có thể là: độ tuổi, nghề nghiệp, trình độ văn hoá, hoàn cảnh gia đình, đời sống kinh tế, ý thức pháp luật, tôn giáo, tiền án, tiền sự…v.v…
Nhân thân người phạm tội có liên quan chặt chẽ với chủ thể của tội phạm. Chủ thể của tội phạm là một con người cụ thể đã thực hiện hành vi nguy hiểm đáng kể cho xã hội, có năng lực trách nhiệm hình sự, và có thể cần một số đặc điểm đặc biệt khác (đối với chủ thể đặc biệt). Bên cạnh đó, chủ thể của tội phạm còn có một số các đặc điểm khác tuy không có ý nghĩa trong việc định tội nhưng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giải quyết đúng đắn vụ án, thực hiện triệt để nguyên tắc phân hoá trách nhiệm hình sự. Đó là những đặc điểm thuộc về nhân thân người phạm tội. Trong một số trường hợp, nhân thân người phạm tội cũng tham gia vào việc định tội khi cấu thành tội phạm có phản ánh. Ví vụ, tội trộm cắp (Điều 138 Bộ luật hình sự) có trường hợp đòi hỏi chủ thể phải có đặc điểm là “đã bị kết án…chưa được xoá án tích mà còn vi phạm” (tái phạm).
Tuy nhiên, chúng ta cần có thái độ đúng đắn để phân biệt sự khác nhau giữa hai khái niệm “nhân thân người phạm tội” và “chủ thể của tội phạm”. Chủ thể của tội phạm là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội và theo pháp luật phải chịu trách nhiệm hình sự, là một yếu tố của cấu thành tội phạm. Nhân thân người phạm tội là đặc điểm, đặc tính của cá nhân, là căn cứ quyết định hình phạt, cơ sở quan trong cho việc giải quyết đúng đắn vụ án, không có ý nghĩa định tội. Trong trường hợp, các đặc điểm nhân thân được thể hiện trong cấu thành tội phạm (có ý nghĩa định tội) thì nó không được xem là một dấu hiệu của nhân thân để cân nhắc trong quyết định hình phạt.
4. Vai trò của nhân thân người phạm tội
Nhân thân người phạm tội tuy không phải là yếu tố cấu thành tội phạm nhưng nó lại có ý nghĩa rất quan trọng trong việc quyết định khung hình phạt, là một trong những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Các cơ quan điều tra, truy tố xét xử muốn tìm ra đúng người, xét xử đúng tội thì đòi hỏi phải nghiên cứu đầy đủ về nhân thân của người phạm tội.
5. Ý nghĩa việc nghiên cứu về nhân thân người phạm tội
Thứ nhất, việc nghiên cứu nhân thân người pham tội có ý nghĩa đối với việc đinh tội cũng như đối với việc định khung hình phạt. Đó là những tội phạm mà cấu thành tội phạm cơ bản hoặc cấu thành tội phạm tăng nặng hay giảm nhẹ của những tội này có dấu hiệu phản ảnh đặc điểm nào đó về nhân thân của người phạm tội.Ví dụ: Cấu thành tội phạm cơ bản của tội giết con mới đẻ đòi hỏi chủ thể phải là người mẹ sinh ra đứa trẻ đó.
Thứ hai, việc nghiên cứu nhân thân người phạm tội có ý nghĩa quan trọng trong việc quyết định hình phạt. Qua nghiên cứu nhân thân người phạm tội không chỉ đánh giá được khả năng giáo dục cải tạo của người phạm tội mà còn giúp đánh giá được tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội để có hình phạt phù hợp. Cùng một hành vi nhưng ở người này là biểu hiện ngẫu nhiên đột xuất nhưng ở người khác là hành vi có tính toán, có ý thức sâu sắc biểu hiện bản chất của người pham tội. Hành vi và con người luôn có quan hệ với nhau cho nên tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội cũng phụ thuộc vào tính chất của con người.
Thứ ba, do mối liên hệ giữa nhân thân người phạm tội với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội cho nên luật hình sự đã coi nhân thân người phạm tội là một trong những căn cứ quyết định hình phạt. Mặt khác, luật cũng có quy định coi nhiều tình tiết thuộc về nhân thân của người phạm tội là những tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.Ví dụ: Khi xem xét nhân thân người phạm tội của A cho thấy A tuy chưa bị kết án, chưa bị xử lý vi phạm hành chính, nhưng luôn có hành vi gây rối trật tự công cộng, không có công ăn việc làm…Khi xem xét nhân thân người phạm tội của B cho thấy B cũng chưa bị kết án, chưa bị xử lý vi phạm hành chính, nhưng không có bất kỳ hành vi vi phạm pháp luật nào, có công ăn, việc làm ổn định, luôn chấp hành tốt các nghĩa vụ công dân… Cân nhắc nhân thân người phạm tội của A và của B cho thấy nhân thân của A xấu hơn nhân thân của B, do đó, việc quyết định hình phạt đối với A phải nặng hơn đối với B, nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau.
Thứ tư, việc nghiên cứu nhân thân người phạm tội có vai trò rất lớn trong việc làm sáng tỏ động cơ, mục đích của người phạm tội.Ví dụ: A thất nghiệp, lúc nào cũng thiếu tiền tiêu nên đã đi ăn trộm và B có công ăn việc làm đàng hoàng nhưng cũng đi ăn trộm.Vậy động cơ mục đích của A và B là không giống nhau. Đây cũng chính là đầu mối để cơ quan điều tra xác định đúng phương hướng điều tra, phá án và quyết định hình phạt.
ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT TNHH ĐỖ GIA VIỆT
Giám đốc - Luật sư: Đỗ Ngọc Anh Công ty luật chuyên:Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy: Tổ 14 Phố Trạm, phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội.
Điện thoại: 0944 450 105
Email: luatsudongocanh@gmail.com
Hệ thống Website:
www.luatsungocanh.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai #thuhoino