Mức hình phạt trong phạm vi khung hình phạt của những đồng phạm

0
487

Luật hình sự Việt Nam coi đồng phạm là một hình thức đặc biệt của việc thực hiện tội phạm do tính chất nguy hiểm cho xã hội cao hơn trường hợp phạm tội của một người riêng lẻ, do đồng phạm là sự liên kết hành động phạm tội của một số người làm cho tội phạm có tính chất mới

Điều 53 Bộ luật hình sự hiện hành quy định: “Khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, Toà án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm, các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào, thì chỉ áp dụng đối với người đó”. Trường hợp phạm tội do đồng phạm bao giờ cũng có tính nguy hiểm cao hơn cho xã hội so với tội phạm do một người thực hiện. Việc xác định trách nhiệm hình sự trong đồng phạm như thế nào để đảm bảo các nguyên tắc chung của Luật hình sự và tương ứng với tính nguy hiểm cho xã hội mà tội phạm đồng phạm đã gây ra là việc làm hết sức cần thiết trong xử lý hình sự. Bởi vì, có như thế thì pháp luật mới đảm bảo được tính nghiêm minh, không những thế còn đảm bảo cho việc áp dụng hình phạt đạt hiệu quả cao. Xuất phát từ đó, Luật hình sự Việt Nam đã xác định trách nhiệm hình sự chung trong trường hợp đồng phạm và từng người cụ thể trong đồng phạm dựa trên những nguyên tắc cơ bản mang tính đặc thù của Luật hình sự. Các nguyên tắc đó là:

1.Nguyên tắc chịu trách nhiệm chung về toàn bộ tội phạm

Tội phạm do đồng phạm thực hiện dựa trên sự liên kết giữa nhiều người cùng với sự quyết tâm của họ là mong muốn cho hậu quả của tội phạm đó xảy ra. Vì lẽ đó, ý chí và hành vi của mỗi người trong đồng phạm bao giờ cũng trở thành là một bộ phận quan trọng trong tổng thể thống nhất của tội phạm. Sự đóng góp của mỗi người vào tội phạm đồng phạm hoặc ít hoặc nhiều cũng có ảnh hưởng đến tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm. Hậu quả của tội phạm xảy ra là sự kết hợp không thể phân chia của tất cả các hành vi của từng cá nhân tham gia phạm tội. Nếu hậu quả của tội phạm xảy ra không có mối quan hệ nhân quả với hành vi của một người nào đó tham gia thực hiện hành vi thì không thể xem người đó là đồng phạm. Cho nên, không có cơ sở và chúng ta cũng không thể tách hành vi của từng cá nhân gắn với hậu quả của hành vi đó để truy cứu trách nhiệm hình sự riêng đối với từng cá nhân. Từ những lý luận trên đây, Luật hình sự Việt Nam đã xác định nguyên tắc các đồng phạm phải chịu chung trách nhiệm hình sự về tội phạm mà họ cùng thực hiện. Cụ thể: – Tất cả những cá nhân trong đồng phạm không kể tham gia thực hiện tội phạm với vai trò gì đều phải bị truy tố, xét xử về cùng một tội danh theo cùng một điều luật và phạm vi chế tài của điều luật ấy. Vì vậy, tất cả họ phải chịu chung những tình tiết của vụ án mà họ ý thức được trong đó có thể là tình tiết định khung tăng nặng, giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ (Điều 46, 48 Bộ luật hình sự). – Các quy định chung về truy cứu trách nhiệm hình sự, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, quyết định hình phạt, … cũng áp dụng chung cho tất cả những người tham gia đồng phạm.

Về điểm này, quan điểm của các nhà lý luận Luật hình sự tư sản, đại diện là Phơ-bách, có một số điểm khác biệt. Họ cho rằng hậu quả nguy hiểm cho xã hội do đồng phạm gây ra cũng giống như hậu quả của tội phạm do một cá nhân thực hiện. Xuất phát từ quan điểm đó, họ coi người thực hành là kẻ chính phạm, phải chịu trách nhiệm hình sự về hậu quả của tội phạm. Còn những người khác (tổ chức, xúi giục, giúp sức) là những người đồng phạm (hay tòng phạm), đóng vai trò phụ, không phải gánh chịu trách nhiệm về hậu quả của tội phạm mà chỉ chịu trách nhiệm hình sự vì đã giúp chính phạm thực hiện tội phạm. Quan điểm trên đây không phù hợp với thực tế khách quan. Hành vi của tất cả những người trong đồng phạm đều góp phần gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Hậu quả của tội phạm là kết quả chung do hoạt động phạm tội của tất cả những người trong đồng phạm gây ra. Bất kỳ một sự tham gia vào đồng phạm dù là hành động hay không hành động đều có mối quan hệ nhân quả với hậu quả xảy ra. Do vậy, không chỉ người thực hành mới chịu trách nhiệm hình sự về hậu quả của tội phạm mà tất cả những người trong đồng phạm phải chịu trách nhiệm chung về hậu quả của tội phạm đã gây ra.

2.Nguyên tắc phân hoá trách nhiệm hình sự của từng người trong đồng phạm

Hậu quả nguy hiểm cho xã hội xảy ra của vụ phạm tội đồng phạm có nguyên nhân từ sự kết hợp tất cả các hành vi của những cá nhân trong đồng phạm. Chính vì thế, Luật hình sự buộc họ phải chịu trách nhiệm chung về toàn bộ tội phạm mà họ có tham gia thực hiện là đều hợp lý. Tuy nhiên, mỗi người trong họ là những cá nhân xác định với ý chí và hành vi độc lập. Trách nhiệm hình sự chung được xác lập trên cơ sở không thể phân chia của tổng thể thống nhất các hành vi đồng phạm nhưng những đặc điểm thuộc về nhân thân hoặc những hành vi dựa trên ý chí của từng người ảnh hưởng đến tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm được xác định là của riêng cá nhân đó. Cho nên, trách nhiệm hình sự của từng cá nhân trong đồng phạm cũng sẽ được xem xét một cách tương đối độc lập dựa trên tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm và người phạm tội cụ thể. Lý luận này là hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc phân hoá trách nhiệm hình sự. Trong đồng phạm, nguyên tắc phân hoá trách nhiệm hình sự được thể hiện ở những điểm cơ bản sau: – Những người trong đồng phạm phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi nằm trong khuôn khổ ý thức mà những đồng phạm khác có thể ý thức được. Ngược lại, những người trong đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của những đồng phạm khác thực hiện tự ý, không nằm trong ý thức của mình. Trường hợp đó, các nhà lý luận Luật hình sự gọi là hành vi thái quá. Hành vi thái quá được hiểu là việc người thực hành hoặc một người nào khác trong đồng phạm tự ý thực hiện hành vi phạm tội (hoặc một hành vi nào đó) mà những người đồng phạm khác không ý thức được. Hành vi thái quá này có thể sẽ tạo nên tình tiết định khung tăng nặng hoặc một tội phạm khác nặng hơn. Thông thường, trường hợp này xảy ra ở người thực hành nhưng không loại trừ nó cũng xảy ra ở những đồng phạm với vai trò khác. Ví dụ, Dương Văn T và Nguyễn Tấn Đ là hai đồng nghiệp làm chung cơ quan. T vốn có mối thù sâu với anh Đặng Hồng L nên xúi Đ đến nhà T cướp tài sản và hứa cung cấp một gói thuốc mê để làm cách nào đó anh L có thể mê và Đ sẽ cướp tài sản. Đ đã dùng gói thuốc mê này và thực hiện thành công hành vi cướp nhưng Đ thật bất ngờ khi nghe tin anh L chết trong đêm đó. Kết luận giám định cho thấy rằng anh L chết do uống phải độc dược. Trường hợp này rõ ràng Đ chỉ có trách nhiệm về tội cướp tài sản (Điều 133). Tội giết người không thuộc phạm vi ý thức của Đ, T phải chịu trách nhiệm về hành vi xúi giục đối với tội “cướp tài sản” (Điều 133) và thực hành đối với tội “giết người” (Điều 93).

3.Thực tế phạm tội

Thực tế phạm tội rất đa dạng và khoa học Luật hình sự đã khái quát thành hai loại thái quá trong đồng phạm, đó là: Thái quá về chất lượng của hành vi: là trường hợp một hoặc một số người trong đồng phạm thực hiện hành vi thái quá đó không cùng tính chất với tội phạm mà những người đồng phạm khác có thể nhận thức được. Ví dụ, Tuấn, Hùng, Hưng bàn bạc với nhau chặn người đi đường để cướp tài sản. Tuy nhiên, trước khi đi cướp, con của Hưng bệnh nên Hưng không cùng đi. Khi phát hiện người đi xe máy chạy tới, Tuấn và Hùng chặn lại và thấy đây là một phụ nữ. Chúng đã hiếp dâm chị ta, sau đó cướp đi sợi dây chuyền, nhưng không cướp xe vì sợ không có ai chở chị về nhà (lúc đó trời tối, đường vắng). Hôm sau, khi cả ba mang dây chuyền đi tiêu thụ thì bị bắt. Khi đó, Hưng mới biết Tuấn và Hùng ngoài việc cướp tài sản còn hiếp dâm người bị hại. Thái quá về số lượng hành vi là trường hợp một hay một số người trong đồng phạm thực hiện hành vi thái quá mà hành vi đó cùng tính chất với hành vi phạm tội mà những người đồng phạm khác có thể nhận thức được. Thái quá về số lượng có thể cấu thành một tội phạm độc lập hoặc chỉ làm tăng mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm mà các đồng phạm khác định thực hiện. Ví dụ, Tuấn Anh, Quốc Bảo và Hồng Cang có thù ghét với Hoà nên chặn đường đánh Hoà. Khi thấy Hoà gục xuống, không còn chống đỡ, Anh bảo thôi đánh, không thì nó chết mất. Sau đó, Anh và Bảo bỏ đi. Tuy nhiên, Cang còn ở lại dùng gót chân thúc vào mạng sườn và dùng chân dậm lên ngực Hoà. Kết quả là Hoà chết do bị vỡ lá lách, chảy máu trong, phổi xung huyết mất máu cấp. Trong trường hợp này, Anh và Quốc bị xem là phạm tội cố ý gây thương tích (Điều 104), Cang bị xem là phạm tội giết người (Điều 93). Một ví dụ khác, Khắc Thấu là thủ kho, Mai là kế toán, Ban là bảo vệ công ty thương nghiệp tổng hợp. Họ bàn với nhau lấy 100 kg bột ngọt của công ty bán lấy tiền tiêu xài. Thấu và Ban chịu trách nhiệm vào kho lấy bột ngọt, Mai có nhiệm vụ sửa sổ sách để hợp thức hoá 100 kg bột ngọt. Tuy nhiên, khi vào kho, Thấu bàn với Ban lấy thêm 50 kg bột ngọt chia nhau mà không cho Mai biết. Trong trường hợp này, Thấu và Ban có hành vi thái quá, nhưng hành vi này không cấu thành tội độc lập. Cả ba đều bị xem là phạm tội tham ô tài sản (Điều 278), nhưng tính chất nguy hiểm của hành vi của Thấu và Ban cao hơn Mai.

4.Những quy định khác

Ngược lại, trong một vụ đồng phạm, khi có một hoặc một số người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội thì chỉ riêng cá nhân họ được miễn trách nhiệm hình sự. Nếu người thực hành tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội thì những người khác phải chịu trách nhiệm hình sự. Căn cứ vào mức độ thực hiện tội phạm của người thực hành lúc đó mà xác định giai đoạn thực hiện tội phạm đối với những người này. Có hai trường hợp: + Nếu người thực hành tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội thì những điều kiện cũng như trong trường hợp phạm tội riêng lẻ (Điều 19). Khi người thực hành tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội nếu còn người thực hành thì những người đồng phạm khác chịu trách nhiệm hình sự theo người thực hành đó. Trong trường hợp không còn người thực hành thì người thực hành chấm dứt tội phạm ở giai đoạn nào, những người khác phải chịu trách nhiệm hình sự ở giai đoạn đó (chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt). + Đối với người tổ chức, người xúi giục hoặc người giúp sức thì hành vi tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội phải được thực hiện trước khi người thực hành thực hiện tội phạm và phải có hành vi tích cực khắc phục tác dụng của hành vi mà mình đã góp phần trước đó vào việc phạm tội. Thế nào là tích cực khắc phục hậu quả do hành vi mình gây ra sẽ được đánh giá tuỳ thuộc vào mỗi vụ đồng phạm cụ thể. Ví dụ, nếu họ cho mượn hung khí để người khác gây thương tích cho người khác thì họ phải lấy lại hung khí đó trước khi người thực hành thực hiện hành vi phạm tội hoặc báo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn người thực hành thực hiện tội phạm. Khi người tổ chức, người xúi giục hoặc người giúp sức tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội thì trách nhiệm hình sự của những người còn lại không bị ảnh hưởng vì trách nhiệm hình sự của họ được xác định dựa theo người thực hành.

Về điểm này, trong quyển “Hình luật tổng quát”, Nguyễn Quang Quýnh, trong mục “những trường hợp bó tay”, đã phân tích, nếu người thực hành tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội thì bên cạnh người thực hành, những người còn lại cũng được miễn trách nhiệm hình sự. Quan điểm này dựa trên pháp luật hình sự của chính phủ Việt Nam cộng hoà, khi đó chịu ảnh hưởng của pháp luật tư sản phương Tây. Ngay cả khi phân tích luận điểm này, tác giả cũng có sự băn khoăn nhất định khi các “tòng phạm” (tổ chức, xúi giục, giúp sức) đều thực hiện hành vi một cách tích cực cho việc thực hiện tội phạm, nhưng khi người thực hành tự ý dừng lại thì họ coi như được vô can.

5. Mức hình phạt trong phạm vi khung hình phạt của những đồng phạm

  Mức hình phạt trong phạm vi khung hình phạt của những đồng phạmđược quyết định cũng không phải như nhau tuỳ thuộc vào vai trò của họ trong đồng phạm, tác dụng của hành vi của họ đến hoạt động chung trong việc gây ra tội phạm, nhân thân của họ. Thông thường, người tổ chức có tính nguy hiểm cao nhất cho xã hội nên hình phạt của họ cũng cao hơn những người đồng phạm khác. Để vận dụng đúng đắn nội dung này đòi hỏi người áp dụng pháp luật phải xem xét, đánh giá từng trường hợp phạm tội cụ thể chứ không thể cứng nhắc dẫn đến khuôn mẫu lúc nào cũng cho rằng người tổ chức nguy hiểm hơn người thực hành hay người thực hành nguy hiểm hơn người xúi giục. – Tất cả các tình tiết định khung tăng nặng, giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hoặc tình tiết miễn trách nhiệm hình sự của riêng người nào chỉ được áp dụng đối với riêng người đó. Những tình tiết này gồm hai loại: + Những tình tiết thuộc về nhân thân (tái phạm, tái phạm nguy hiểm, phạm tội trong thời gian chấp hành hình phạt, là người chưa thành niên phạm tội…); + Những tình tiết xảy ra không thuộc phạm vi ý thức của các đồng phạm khác.

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT TNHH ĐỖ GIA VIỆT

Giám đốc - Luật sư:  Đỗ Ngọc Anh
Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Văn phòng luật sư Hải Phòng: Số 102, Lô 14 đường Lê Hồng Phong, Phường Đằng Lâm, Quận Hải An, Hải Phòng.
Điện thoại: 0944 450 105
Email: luatdogiaviet@gmail.com
Hệ thống Website:
www.luatdogiaviet.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai #thuhoino
Bài trướcBản quyền tác giả là gì? Bảo hộ bản quyền tác giả như thế nào?
Bài tiếp theoChủ thể đặc biệt của tội phạm và vấn đề nhân thân người phạm tội trong luật hình sự