Từ thực tiễn áp dụng các quy định về hình phạt cải tạo không giam giữ trong Bộ luật Hình sự năm 2015 còn tồn tại một số vướng mắc, tác giả kiến nghị hoàn thiện pháp luật về thời điểm bắt đầu tính thời gian cải tạo không giam giữ; điều kiện áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ…
Quy định của pháp luật về hình phạt cải tạo không giam giữ
Hình phạt cải tạo không giam giữ là một trong 07 hình phạt chính và là một trong 04 hình phạt không phải tù trong hệ thống hình phạt của pháp luật hình sự Việt Nam. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 không nêu khái niệm “cải tạo không giam giữ” mà chỉ quy định khi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ thì “Tòa án giao người bị phạt cải tạo không giam giữ cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục” (khoản 2 Điều 36). Khoản 8 Điều 3 của Luật thi hành án hình sự năm 2019 quy định: “Thi hành án phạt cải tạo không giam giữ là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này giám sát, giáo dục người chấp hành án tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập; khấu trừ một phần thu nhập sung quỹ nhà nước, giám sát việc thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng theo bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật”. Các nghĩa vụ mà người bị kết án cải tạo không giam giữ phải thực hiện trong thời gian chấp hành án là: Có mặt theo giấy triệu tập và cam kết việc chấp hành án; chấp hành nghiêm chỉnh cam kết tuân thủ pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, nội quy, quy chế của nơi cư trú, nơi làm việc; tích cực tham gia lao động, học tập; chấp hành đầy đủ nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, các hình phạt bổ sung theo bản án của Tòa án; thực hiện nghĩa vụ nộp phần thu nhập bị khấu trừ; thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng theo quy định của pháp luật; chịu sự giám sát, giáo dục của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan Thi hành án hình sự cấp quân khu nơi cư trú, nơi làm việc; hằng tháng phải nộp bản tự nhận xét về việc thực hiện nghĩa vụ chấp hành án cho Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục;1… Bên cạnh đó, người bị kết án còn bị khấu trừ một phần thu nhập (05 – 20%) để sung quỹ nhà nước trong thời gian chấp hành án, trừ trường hợp người bị kết án cải tạo không giam giữ là người dưới 18 tuổi phạm tội và người chấp hành án là người đang thực hiện nghĩa vụ quân sự thì không bị khấu trừ thu nhập. Ngoài ra, người bị kết án cũng có thể được miễn khấu trừ thu nhập trong trường hợp đặc biệt và việc miễn khấu trừ thu nhập này do Tòa án quyết định và ghi rõ lý do trong bản án.
Thời hạn cải tạo không giam giữ do Tòa án quyết định áp dụng đối với người phạm tội, nhưng phải đảm bảo tối thiểu là 06 tháng và tối đa là 03 năm. Riêng đối với người chưa thành niên phạm tội thì thời hạn cải tạo không giam giữ áp dụng với họ là không quá một phần hai thời hạn mà điều luật quy định (Điều 73 BLHS năm 2015).
Một số vướng mắc, bất cập
Về điều kiện áp dụng:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 36 BLHS năm 2015 thì hình phạt cải tạo không giam giữ được áp dụng khi có đủ các điều kiện sau đây: (i) Người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật Hình sự quy định; (ii) Người phạm tội phải có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú rõ ràng; (iii) Xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội.
Đối với điều kiện “xét thấy không cần thiết cách ly người phạm tội khỏi xã hội”, hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, dẫn đến sự tùy nghi, chủ quan trong nhận thức và áp dụng của Tòa án khi xét xử. Nhiều trường hợp Tòa án ngại xem xét, đánh giá để áp dụng và bỏ qua vấn đề này khi quyết định hình phạt dẫn đến thiếu công bằng và thiệt thòi cho người phạm tội vì phải chịu hình phạt khác nghiêm khắc hơn, trong khi đủ điều kiện để được áp dụng và chỉ cần áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ là tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội.
Về việc áp dụng khấu trừ thu nhập đối với người chấp hành án cải tạo không giam giữ:
Khoản 3 Điều 36 BLHS năm 2015 quy định: “Trong thời gian chấp hành án, người bị kết án phải thực hiện một số nghĩa vụ theo các quy định về cải tạo không giam giữ và bị khấu trừ một phần thu nhập từ 05% đến 20% để sung quỹ nhà nước. Việc khấu trừ thu nhập được thực hiện hằng tháng. Trong trường hợp đặc biệt, Tòa án có thể cho miễn việc khấu trừ thu nhập, nhưng phải ghi rõ lý do trong bản án”.
Thực tiễn xét xử cho thấy, trường hợp người phạm tội có việc làm và thu nhập ổn định, có căn cứ xác định thu nhập thực tế của người phạm tội trước khi phạm tội nên Tòa án tuyên việc khấu trừ thu nhập trong bản án căn cứ theo mức thu nhập này nhưng sau khi bị kết án, người phạm tội bị sa thải, buộc thôi việc và không có việc làm ổn định. Trong khi đó, khoản 4 Điều 36 BLHS năm 2015 và Điều 101 của Luật thi hành án hình sự năm 2019 chỉ quy định về trường hợp người bị phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt này thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ, mà không quy định về thủ tục miễn, giảm khấu trừ thu nhập (theo bản án đã tuyên) khi chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ. Đối với người phạm tội là lao động tự do, có thu nhập không ổn định thì Tòa án gặp khó khăn trong việc xác định mức thu nhập của họ để làm căn cứ quyết định việc khấu trừ thu nhập hoặc cho miễn khấu trừ thu nhập trong bản án.
Bên cạnh đó, việc xác định trường hợp nào cần áp dụng khấu trừ thu nhập và khấu trừ thu nhập với tỉ lệ bao nhiêu, trường hợp nào cho miễn việc khấu trừ thu nhập cũng còn gặp khó khăn. Bộ luật Hình sự năm 2015 chỉ quy định: “Trong trường hợp đặc biệt, Tòa án có thể cho miễn việc khấu trừ thu nhập, nhưng phải ghi rõ lý do trong bản án”, mà không xác định cụ thể đối tượng nào, với mức thu nhập nào của người phạm tội thì Tòa án có thể cho miễn việc khấu trừ thu nhập, chẳng hạn như hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách,… theo quy định của Chính phủ hoặc nếu người phạm tội không thuộc các đối tượng này nhưng có điều kiện, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong trường hợp Tòa án áp dụng việc khấu trừ thu nhập đối với người phạm tội thì khấu trừ thu nhập với tỉ lệ bao nhiêu là hợp lý so với điều kiện hoàn cảnh kinh tế và thu nhập của người phạm tội cũng là vấn đề còn nhiều cách áp dụng khác nhau khi Tòa án giải quyết vụ án.
Về thời gian đã chấp hành hình phạt trong trường hợp người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ không thực hiện nghĩa vụ theo quy định:
Thời điểm bắt đầu tính thời gian cải tạo không giam giữ được xác định theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị quyết số 02/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao bổ sung một số hướng dẫn của Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007. Theo đó, thời điểm bắt đầu tính thời gian cải tạo không giam giữ là ngày cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người bị kết án nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án. Khoản 1 Điều 97 của Luật thi hành án hình sự năm 2019 quy định về trình tự, thủ tục thi hành quyết định thi hành án phạt cải tạo không giam giữ như sau:
“1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án phạt cải tạo không giam giữ, cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan Thi hành án hình sự cấp quân khu phải triệu tập người chấp hành án, người đại diện trong trường hợp người chấp hành án là người dưới 18 tuổi đến trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú, đơn vị quân đội nơi người đó làm việc để cam kết việc chấp hành án. Người chấp hành án, người đại diện của người chấp hành án phải có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan. Trường hợp người chấp hành án không có mặt theo giấy triệu tập hoặc không cam kết thì cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan Thi hành án hình sự cấp quân khu lập biên bản vi phạm nghĩa vụ”.
Vấn đề đặt ra là, trong trường hợp Tòa án đã ra quyết định thi hành án và cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người bị kết án đã nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án nhưng người chấp hành án không có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan Thi hành án hình sự để cam kết việc chấp hành án mà không vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì có được xem là đã bắt đầu chấp hành án như quy định trên hay không. Theo Điều 105 Luật thi hành án hình sự năm 2019, trường hợp người chấp hành án cố ý vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều 99 luật này (bao gồm cả nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập và cam kết việc chấp hành án) thì Công an cấp xã, đơn vị quân đội lập biên bản về việc vi phạm. Trường hợp đã lập biên bản về việc vi phạm nghĩa vụ 02 lần nhưng người chấp hành án vẫn tiếp tục vi phạm thì Công an cấp xã đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục tổ chức kiểm điểm người đó; trường hợp người chấp hành án do đơn vị quân đội giám sát, giáo dục thì đơn vị quân đội tổ chức kiểm điểm người đó. Người chấp hành án đã bị kiểm điểm nhưng tiếp tục cố ý không chấp hành nghĩa vụ quy định tại Điều 99 Luật thi hành án hình sự năm 2019 thì không được xem xét giảm thời hạn chấp hành án và tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính hoặc xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự. Như vậy, với quy định “Người chấp hành án đã bị kiểm điểm nhưng tiếp tục cố ý không chấp hành nghĩa vụ quy định tại Điều 99 của Luật này thì không được xem xét giảm thời hạn chấp hành án”, có thể hiểu rằng luật đã gián tiếp thừa nhận ngay cả khi người chấp hành án không có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan Thi hành án hình sự để cam kết việc chấp hành án mà không vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì vẫn được xem là họ đang chấp hành án kể từ thời điểm cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người bị kết án nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án. Theo tác giả, quy định này mặc dù có lợi cho người bị kết án nhưng tồn tại một số bất cập, đó là:
Quy định này vô hình trung ảnh hưởng đến tính khả thi của khoản 2, khoản 3 Điều 97 Luật thi hành án hình sự năm 2019 bởi vì “cam kết của người chấp hành án” là một trong các loại tài liệu phải được đưa vào hồ sơ khi cơ quan Thi hành án hình sự lập hồ sơ thi hành án và cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án lập hồ sơ giám sát, giáo dục người chấp hành án. Nếu người chấp hành án không thực hiện nghĩa vụ cam kết việc chấp hành án thì dĩ nhiên không thể có “cam kết của người chấp hành án” để đưa vào 02 loại hồ sơ nêu trên.
Ngoài ra, quy định này chưa hợp lý và đáp ứng được mục đích của hình phạt là “trừng trị người phạm tội, giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống”. Bởi lẽ, nếu người chấp hành án không có mặt theo giấy triệu tập và không cam kết việc chấp hành án mà không vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan chứng tỏ họ không có ý thức về việc chấp hành theo bản án đã có hiệu lực pháp luật và quyết định thi hành án của Tòa án. Quy định như trên dẫn đến kết quả là người bị kết án vẫn được xem là đang chấp hành án và được tính thời gian chấp hành án trong khi người đó hoàn toàn không biết về việc bản thân đang chấp hành án và/hoặc không thực hiện bất cứ nghĩa vụ nào của một người đang chấp hành án. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với việc xác định tiền án, nhân thân của người chấp hành án trong trường hợp họ phạm tội mới.
Ví dụ: Ngày 22/10/2019, A bị Tòa án nhân dân tỉnh H xử phạt 09 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Đánh bạc”. Ngày 22/11/2019, Ủy ban nhân dân xã X là cơ quan được giao giám sát, giáo dục A nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án. Đến ngày 22/02/2020, A có hành vi trộm cắp tài sản, Cơ quan điều tra tiến hành điều tra, xác minh về nhân thân, lý lịch và quá trình chấp hành án của A thì được cung cấp thông tin như sau: Thời gian chấp hành án của A được tính từ ngày 22/11/2019 đến ngày 22/8/2020. Sau khi nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án, cơ quan Thi hành án hình sự Công an huyện Y đã nhiều lần triệu tập A đến trụ sở Ủy ban nhân dân xã X để cam kết việc chấp hành án nhưng A không có mặt và cũng không thông báo lý do vắng mặt. Từ ngày 22/11/2019 đến ngày xác minh, A chưa thực hiện nghĩa vụ nào của người chấp hành án theo quy định của pháp luật và có một số lần vắng mặt tại nơi cư trú nhưng không trình báo với chính quyền địa phương. Tuy nhiên, A không bị kiểm điểm, xử phạt vi phạm hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự do vi phạm nghĩa vụ của người chấp hành án.
Như vậy, có thể thấy rằng, mặc dù A không thực hiện đúng nghĩa vụ của người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ theo quy định của Luật thi hành án hình sự năm 2019 nhưng A vẫn được xem là đang chấp hành án và được tính thời gian chấp hành án kể từ ngày Ủy ban nhân dân xã X là cơ quan được giao giám sát, giáo dục A nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án là ngày 22/11/2019. Do đó, khi xét xử A về hành vi phạm tội mới, Tòa án phải xác định thời gian A đã chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ để làm căn cứ tổng hợp hình phạt của 02 bản án.
Về xác định thời gian đã chấp hành hình phạt trong trường hợp người chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ phạm tội mới:
Tiếp theo ví dụ nêu trên, do có hành vi trộm cắp tài sản, nên A bị Cơ quan điều tra Công an huyện P áp dụng biện pháp tạm giam trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày 22/3/2020. Hết thời hạn tạm giam, ngày 22/4/2020, A được trả tự do và bị áp dụng biện pháp bảo lĩnh. Ngày 22/6/2020, Tòa án nhân dân huyện P xét xử A về tội “Đánh bạc” và tuyên phạt A 12 tháng tù. Việc tổng hợp hình phạt đối với A trong trường hợp này còn có các quan điểm khác nhau:
Ý kiến thứ nhất cho rằng, A được tính thời hạn chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ không liên tục, kể từ ngày 22/11/2019 đến ngày bị tạm giam là 04 tháng và kể từ ngày được trả tự do đến ngày xét xử sơ thẩm là 02 tháng. Thời gian A bị tạm giam được quy đổi và khấu trừ vào thời gian A chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ là 30 ngày bị tạm giam bằng 90 ngày cải tạo không giam giữ. Do đó, đến ngày xét xử sơ thẩm thì A đã chấp hành xong hình phạt cải tạo không giam giữ nên Tòa án nhân dân huyện P không tổng hợp hình phạt của 02 bản án.
Ý kiến thứ hai cho rằng, A được tính thời hạn chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ liên tục kể từ ngày 22/11/2019 đến ngày xét xử sơ thẩm. Như vậy, A đã chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ được 07 tháng. Thời gian A bị tạm giam không được quy đổi và khấu trừ vào thời gian A chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ vì A bị tạm giam do thực hiện hành vi phạm tội mới đang bị xét xử, không phải do hành vi phạm tội bị xử phạt cải tạo không giam giữ. Thời gian A chưa chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ là 02 tháng được quy đổi thành 20 ngày tù và Tòa án nhân dân huyện P tổng hợp hình phạt của bản án theo quy định tại Điều 104 BLHS năm 2015. Thời gian A bị tạm giam được khấu trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù sau khi tổng hợp hình phạt của 02 bản án.
Ý kiến thứ ba cho rằng, A được tính thời hạn chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ kể từ ngày 22/11/2019 đến ngày thực hiện hành vi phạm tội mới là ngày 22/02/2020, thì A đã chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ được 03 tháng. Thời gian A chưa chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ là 06 tháng được quy đổi và Tòa án nhân dân huyện P tổng hợp hình phạt của bản án theo quy định tại Điều 104 BLHS năm 2015.
Ý kiến thứ tư cũng là ý kiến của tác giả cho rằng, A được tính thời hạn chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ kể từ ngày 22/11/2019 đến ngày bị bắt tạm giam là ngày 22/3/2020, như vậy, A đã chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ được 04 tháng. Thời gian A chưa chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ là 05 tháng được quy đổi và Tòa án nhân dân huyện P tổng hợp hình phạt của bản án theo quy định tại Điều 104 BLHS năm 2015. Bởi lẽ, thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ của A được tính từ ngày cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người bị kết án nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án theo quy định của Nghị quyết số 02/2010/NQ-HĐTP là ngày 22/11/2019. Kể từ thời điểm A bị tạm giam do thực hiện hành vi phạm tội mới thì A đã không còn ở nơi cư trú và chịu sự giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục để chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ nữa. Việc A bị tạm giam cũng không thuộc trường hợp áp dụng quy định về “giải quyết việc vắng mặt tại nơi cư trú, thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ” tại Điều 100 Luật thi hành án hình sự năm 2019. Khi được trả tự do, A bị áp dụng biện pháp ngăn chặn bảo lĩnh nên thời gian này A phải thực hiện nghĩa vụ của người bị áp dụng biện pháp ngăn chặn theo quy định của BLHS năm 2015. Do đó, thời gian A bị áp dụng biện pháp ngăn chặn (tạm giam và bảo lĩnh) không tính vào thời gian A chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ. Mặt khác, do A bị tạm giam vì thực hiện hành vi phạm tội mới nên khi xét xử, Tòa án không quy đổi và khấu trừ thời gian bị tạm giam vào thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ (của bản án trước) mà khấu trừ thời gian bị tạm giam vào thời gian chấp hành hình phạt tù sau khi tổng hợp hình phạt.
Một số kiến nghị, đề xuất
Một là, cần sửa đổi, bổ sung quy định về thời điểm bắt đầu tính thời gian cải tạo không giam giữ tại khoản 3 Điều 2 Nghị quyết số 02/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao theo hướng: Bổ sung Mục 3a hướng dẫn về thời điểm bắt đầu tính thời gian cải tạo không giam giữ vào Phần III Nghị quyết số 02/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao như sau: “Thời điểm bắt đầu tính thời gian cải tạo không giam giữ là ngày người chấp hành án cam kết việc chấp hành án theo quy định tại khoản 1 Điều 97 của Luật thi hành án hình sự. Thời điểm bắt đầu tính thời gian cải tạo không giam giữ phải được tuyên trong phần quyết định của bản án”.
Hai là, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn về điều kiện áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ, điều kiện áp dụng việc khấu trừ thu nhập đối với người chấp hành án cải tạo không giam giữ, theo hướng như sau:
– Về điều kiện áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ “xét thấy không cần thiết cách ly người phạm tội khỏi xã hội”: Cụ thể hóa điều kiện này thành điều kiện “Có nhân thân tốt”, tương tự như quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 BLHS năm 2015 về án treo.
– Về điều kiện áp dụng việc khấu trừ thu nhập đối với người chấp hành án cải tạo không giam giữ: Bổ sung vào Luật thi hành án hình sự năm 2019 quy định về thủ tục miễn, giảm việc khấu trừ thu nhập (theo bản án đã tuyên) khi chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ; quy định về cách xác định mức thu nhập của người phạm tội là lao động tự do, có thu nhập không ổn định; quy định cụ thể về đối tượng được miễn việc khấu trừ thu nhập như: Người phạm tội thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách, người cao tuổi…
Ba là, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn về cách xác định thời gian đã chấp hành hình phạt trong trường hợp người chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ phạm tội mới theo hướng: Thời gian đã chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ được tính kể từ thời điểm bắt đầu tính thời gian cải tạo không giam giữ theo quy định của pháp luật cho đến khi người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ phạm tội mới./.
Võ Thị Ánh Trúc
ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT TNHH ĐỖ GIA VIỆT
Giám đốc - Luật sư: Đỗ Ngọc AnhCông ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy: Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Văn phòng luật sư Hải Phòng: Số 102, Lô 14 đường Lê Hồng Phong, Phường Đằng Lâm, Quận Hải An, Hải Phòng.
Điện thoại: 0944 450 105
Email: luatdogiaviet@gmail.com
Hệ thống Website:
www.luatdogiaviet.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai #thuhoino