Phiên tòa trực tuyến: Chỉ nên xét xử vụ án có chứng cứ rõ ràng

0
323

Trong phạm vi tổ chức phiên tòa trực tuyến chỉ nên xét xử sơ thẩm, phúc thẩm đối với những vụ án hình sự, dân sự và hành chính có tính chất, tình tiết đơn giản, tài liệu, chứng cứ rõ ràng.
ĐBQH Lê Tất Hiếu, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu tại phiên thảo luận dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến tại điểm cầu của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, ngày 24/10.

Đánh giá về dự thảo Nghị quyết tổ chức phiên tòa trực tuyến, ĐBQH Lê Tất Hiếu cơ bản nhất trí với báo cáo thẩm tra của Ủy ban thường vụ Quốc hội, và đề nghị Quốc hội thông qua nghị quyết này. Tuy nhiên, theo ĐBQH Lê Tất Hiếu, trong hoạt động xét xử của tòa án vấn đề quan trọng và hiệu quả nhất vẫn là xét xử trực tiếp, nhất là đối với những vụ án phức tạp.

“Vì vậy đề nghị Chính phủ trong phạm vi tổ chức phiên tòa trực tuyến chỉ nên xét xử sơ thẩm, phúc thẩm đối với những vụ án hình sự, dân sự và hành chính có tính chất, tình tiết đơn giản, tài liệu, chứng cứ rõ ràng”, ĐBQH Lê Tất Hiếu nói.

Bên cạnh đó, cần giao Tòa án nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và các cơ quan liên quan trên cơ sở quy định của các Bộ Luật tố tụng hình sự, Bộ Luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính và Nghị quyết tổ chức phiên tòa trực tuyến để có lộ trình thực hiện với những quy định chi tiết, hướng dẫn cụ thể việc tổ chức phiên tòa cho các cơ quan, người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng.

Góp ý vào đề xuất xét xử trực tuyến, ĐBQH Quốc hội Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) dẫn chứng chủ trương này đã được áp dụng ở nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nga, Đức… Song các nước tiến hành xét xử trực tuyến rất thận trọng, phù hợp với tình hình thực tế, kinh tế xã hội, xây dựng cơ sở pháp lý rõ ràng.

Còn tại Việt Nam, ĐBQH Lê Thanh Hoàn cho biết, các luật tố tụng chưa có quy định cho xét xử trực tuyến mà chỉ quy định xét xử trực tiếp tại phòng xử án. Đây là vấn đề liên quan đến Hiến pháp, quyền con người, quyền công dân, vì vậy cần nghiên cứu thận trọng.

Từ quan điểm trên, ĐBQH Lê Thanh Hoàn đề nghị Quốc hội chỉ nên ban hành nghị quyết thí điểm xét xử trực tuyến trong vòng 3 năm, lựa chọn các vụ án hình sự ít nghiêm trọng, chứng cứ rõ ràng hay các vụ án dân sự, hành chính có tình tiết rõ ràng để xét xử thí điểm.

Việc thí điểm cũng chỉ nên lựa chọn một số tỉnh, thành có đủ điều kiện, tránh dàn trải. Đặc biệt, phải nghiên cứu kỹ hơn để đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của bị cáo, các đương sự cũng như những người liên quan.

Tuy nhiên, sau khi nghe các đại biểu phân tích ưu điểm của phiên tòa trực tuyến, ĐBQH Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng), Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp giơ biển xin tranh luận: “các đại biểu đều nói xét xử trực tuyến có rất nhiều ưu điểm. Tôi không nghĩ như vậy”.

ĐBQH Nguyễn Văn Hiển lý giải, một trong những nguyên tắc tố tụng cơ bản là nguyên tắc tranh tụng. Tranh tụng không chỉ được thể hiện bằng lời nói mà còn thể hiện qua thái độ, cử chỉ, tâm lý, cảm xúc và sự tương tác kịp thời giữa các bên trong tố tụng. Điều này có tác động rất lớn đến niềm tin nội tâm của thẩm phán, Hội thẩm nhân dân cũng như các bên tham gia tố tụng.

“Nếu so sánh giữa xét xử trực tiếp và xét xử trực tuyến thì xét xử trực tuyến có nhiều bất lợi hơn so với xét xử trực tiếp. Hai khía cạnh bất lợi thể hiện tại điểm bảo đảm quyền đầy đủ của các bên tham gia tố tụng và bảo đảm sự tiếp cận, nhận định toàn diện, đầy đủ các tình tiết của thẩm phán, hội thẩm tham gia HĐXX”, ĐBQH Nguyễn Văn Hiển nhấn mạnh.

Do đó, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp kiến nghị, nghị quyết cần nêu rõ nguyên tắc chỉ xét xử trực tuyến khi không thể xét xử trực tiếp được. Đồng thời, quy định rõ điều kiện phải có sự đồng ý của các bên tham gia vào tổ chức phiên toà ngay trong nghị quyết chứ không phải quy định tại thông tư hướng dẫn thi hành.

Nguyễn Việt

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT TNHH ĐỖ GIA VIỆT

Giám đốc - Luật sư:  Đỗ Ngọc Anh
Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Văn phòng luật sư Hải Phòng: Số 102, Lô 14 đường Lê Hồng Phong, Phường Đằng Lâm, Quận Hải An, Hải Phòng.
Điện thoại: 0944 450 105
Email: luatdogiaviet@gmail.com
Hệ thống Website:
www.luatdogiaviet.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai #thuhoino
Bài trướcPhân biệt nghi can, nghi phạm
Bài tiếp theoGiao dịch nội gián