Từ ngày 01/6/2022, công ty TNHH 1 thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn có thể chuyển đổi thành công ty TNHH 2 thành viên trở lên theo hình thức nào?

0
285

Tôi đang có dự định mua 1 phần vốn góp của một doanh nghiệp nhà nước đang chuẩn bị thực hiện chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thành công ty TNHH hai thành viên trở lên nhưng có nhiều điểm còn chưa hiểu rõ, xin công ty giải đáp. Hình thức chuyển đổi loại hình doanh nghiệp áp dụng trong trường hợp này là gì? Có cần phải xây dựng phương án hoạt động sản xuất kinh doanh mới hay không? Và người lao động trong doanh nghiệp khi chuyển đổi có ảnh hưởng gì không?

Từ ngày 01/6/2022, công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn có thể chuyển đổi thành công ty TNHH hai thành viên trở lên theo hình thức nào?

Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp thì các hình thức chuyển đổi loại hình doanh nghiệp từ công ty TNHH một thành viên thành công ty TNHH hai thành viên trở lên bao gồm:

– Chuyển nhượng hoặc cho tặng một phần vốn của chủ sở hữu cho một hoặc một số cá nhân, tổ chức khác.

– Huy động thêm vốn góp từ một hoặc một số cá nhân, tổ chức khác.

– Kết hợp cả hai phương thức trên.

Theo Điều 33 Nghị định 23/2022/NĐ-CP quy định điều kiện và hình thức chuyển đổi doanh nghiệp thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên như sau:

“Điều 33. Điều kiện và hình thức chuyển đổi doanh nghiệp thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên

Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên khi đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:

1. Đảm bảo các điều kiện như đối với doanh nghiệp cổ phần hóa (không áp dụng đối với công ty nông, lâm nghiệp thực hiện chuyển đổi).

2. Được Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong trường hợp cần giới hạn số lượng thành viên tham gia góp vốn do liên quan đến quốc phòng, an ninh hoặc các trường hợp khác.

Việc chuyển đổi doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên được thực hiện theo hình thức chuyển nhượng một phần vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp.”

Như vậy, theo quy định trên thì hình thức chuyển đổi doanh nghiệp thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên áp dụng đối với công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chỉ được thực hiện theo hình thức chuyển nhượng một phần vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp.

Hình thức chuyển đổi loại hình doanh nghiệp từ công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn thành công ty TNHH hai thành viên trở lên

Có cần phải xây dựng phương án hoạt động kinh doanh khi chuyển đổi loại hình doanh nghiệp hay không?

Theo khoản 8 Điều 35 Nghị định 23/2022/NĐ-CP quy định nội dung phương án chuyển đổi doanh nghiệp thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là:

“Điều 35. Nội dung Phương án chuyển đổi doanh nghiệp thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên

Phương án chuyển đổi bao gồm các nội dung cơ bản sau:

1. Thực trạng của doanh nghiệp ở thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.

2. Kết quả xác định giá trị doanh nghiệp và những vấn đề cần tiếp tục xử lý.

3. Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư nhận chuyển nhượng phần vốn Nhà nước liên quan đến ngành nghề kinh doanh, lĩnh vực hoạt động, năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp, công nghệ và thị trường.

4. Mức vốn điều lệ theo yêu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

5. Cơ cấu vốn điều lệ, giá khởi điểm và phương thức chuyển nhượng phần vốn theo nguyên tắc: Căn cứ quy mô, tính chất ngành nghề kinh doanh và yêu cầu phát triển doanh nghiệp, xác định cụ thể phần vốn nhà đầu tư phải đặt mua tối thiểu để đảm bảo số lượng thành viên không quá 50 thành viên theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp. Quy định mức đặt mua tối thiểu trong phương án chuyển đổi, không phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế.

6. Dự thảo Điều lệ tổ chức và hoạt động của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo các quy định của Luật Doanh nghiệp và các văn bản pháp luật hiện hành.

7. Phương án sắp xếp lại lao động đang quản lý.

8. Phương án hoạt động sản xuất kinh doanh trong 3-5 năm tiếp theo.

9. Phương án sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.”

Vậy khi chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên áp dụng đối với công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ cần phải xây dựng phương án hoạt động sản xuất kinh doanh trong vòng 3 đến 5 năm tiếp theo.

Người lao động trong doanh nghiệp chuyển đổi được hưởng chính sách gì?

Theo Điều 37 Nghị định 23/2022/NĐ-CP quy định chính sách đối với người lao động và người giữ chức danh lãnh đạo quản lý khi chuyển đổi loại hình doanh nghiệp như sau:

“Điều 37. Chính sách đối với người lao động và người giữ chức danh lãnh đạo quản lý

1. Người lao động được tiếp tục làm việc tại doanh nghiệp sau khi chuyển đổi thực hiện giao kết hợp đồng lao động mới.

2. Người lao động chấm dứt hợp đồng lao động được hưởng chế độ trợ cấp mất việc làm, thôi việc theo quy định của pháp luật về lao động hoặc chính sách đối với người lao động dôi dư khi chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

3. Người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật về lao động.

4. Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc) và Kiểm soát viên làm việc theo chế độ bổ nhiệm được cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét từng trường hợp cụ thể để bố trí việc làm sau khi chuyển đổi. Trường hợp làm việc theo chế độ bổ nhiệm mà không bố trí được việc làm thì được giải quyết chế độ tinh giản biên chế theo quy định.”

Nghị định 23/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01 tháng 06 năm 2022, thay thế Nghị định 172/2013/NĐ-CP, Nghị định 128/2014/NĐ-CP và bãi bỏ Nghị định 69/2014/NĐ-CP.

Thành Đạt

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT TNHH ĐỖ GIA VIỆT

Giám đốc - Luật sư:  Đỗ Ngọc Anh
Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Văn phòng luật sư Hải Phòng: Số 102, Lô 14 đường Lê Hồng Phong, Phường Đằng Lâm, Quận Hải An, Hải Phòng.
Điện thoại: 0944 450 105
Email: luatdogiaviet@gmail.com
Hệ thống Website:
www.luatdogiaviet.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai #thuhoino
Bài trướcQuy định về công ty TNHH một thành viên trong Luật Doanh nghiệp 2020 và 2014
Bài tiếp theoThủ tục xin giấy phép phòng cháy chữa cháy