Doanh nghiệp bị ấn định thuế khi nào?

0
396

Trong một số trường hợp nhất định, cơ quan thuế ấn định số thuế hoặc ấn định từng yếu tố, căn cứ tính thuế để xác định số tiền thuế mà doanh nghiệp phải nộp theo quy định tại Luật Quản lý thuế 2019, cụ thể:

Ấn định thuế đối với doanh nghiệp vi phạm pháp luật về thuế

Doanh nghiệp bị ấn định thuế khi thuộc một trong các trường hợp vi phạm pháp luật về thuế gồm:

(1) Không đăng ký thuế, không khai thuế, không nộp bổ sung hồ sơ thuế theo yêu cầu của cơ quan thuế hoặc khai thuế không đầy đủ, trung thực, chính xác về căn cứ tính thuế;

(2) Không phản ánh hoặc phản ánh không đầy đủ, trung thực, chính xác số liệu trên sổ kế toán để xác định nghĩa vụ thuế;

(3) Không xuất trình sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ và các tài liệu cần thiết liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp trong thời hạn quy định;

(4) Không chấp hành quyết định thanh tra thuế, kiểm tra thuế theo quy định;

(5) Mua, bán, trao đổi và hạch toán giá trị hàng hóa, dịch vụ không theo giá trị giao dịch thông thường trên thị trường;

(6) Mua, trao đổi hàng hóa sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn mà hàng hóa là có thật theo xác định của cơ quan có thẩm quyền và đã được kê khai doanh thu tính thuế;

(7) Có dấu hiệu bỏ trốn hoặc phát tán tài sản để không thực hiện nghĩa vụ thuế;

(8) Thực hiện các giao dịch không đúng với bản chất kinh tế, không đúng thực tế phát sinh nhằm mục đích giảm nghĩa vụ thuế của người nộp thuế;

(9) Không tuân thủ quy định về nghĩa vụ kê khai, xác định giá giao dịch liên kết hoặc không cung cấp thông tin theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết.

Ấn định thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

Cơ quan hải quan ấn định thuế cho doanh nghiệp đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong các trường hợp sau:

(10) Doanh nghiệp dựa vào các tài liệu không hợp pháp để khai thuế, tính thuế; không khai thuế hoặc kê khai không chính xác, đầy đủ nội dung liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế;

(11) Quá thời hạn quy định mà doanh nghiệp không cung cấp, từ chối hoặc trì hoãn, kéo dài việc cung cấp hồ sơ, sổ kế toán, tài liệu, chứng từ, dữ liệu, số liệu liên quan đến việc xác định chính xác số tiền thuế phải nộp theo quy định;

(12) Doanh nghiệp không chứng minh, giải trình hoặc quá thời hạn quy định mà không giải trình được các nội dung liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật; không chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra của cơ quan hải quan;

(13) Doanh nghiệp không phản ánh hoặc phản ánh không đầy đủ, trung thực, chính xác số liệu trên sổ kế toán để xác định nghĩa vụ thuế;

(14) Cơ quan hải quan có đủ bằng chứng, căn cứ xác định về việc khai báo trị giá không đúng với trị giá giao dịch thực tế;

(15) Giao dịch được thực hiện không đúng với bản chất kinh tế, không đúng thực tế phát sinh, ảnh hưởng đến số tiền thuế phải nộp;

(16) Doanh nghiệp không tự tính được số tiền thuế phải nộp;

(17) Trường hợp khác do cơ quan hải quan hoặc cơ quan khác phát hiện việc kê khai, tính thuế không đúng với quy định của pháp luật.

Căn cứ pháp lý: Khoản 1 Điều 50; Điều 52 Luật Quản lý thuế 2019.

Doanh nghiệp cần biết về thủ tục hoàn thuế khi thực hiện EVFTA

EVFTA và CPTPP là hai hiệp định Việt Nam lần đầu tiên có cam kết cắt giảm về thuế xuất khẩu. Để được hưởng những ưu đãi về thuế xuất khẩu trong EVFTA doanh nghiệp phải đáp ứng một số thủ tục.

Theo Phó Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) Đào Thu Hương, doanh nghiệp cần lưu ý các thủ tục để hưởng ưu đãi thuế trong EVFTA.

Cụ thể, tại thời điểm xuất khẩu, doanh nghiệp vẫn kê khai thuế suất theo biểu thuế xuất khẩu thông thường theo quy định tại Nghị định 125/2017/NĐ-CP của Chính phủ (từ 10/7 thực hiện theo Nghị định 57/2020/NĐ-CP).

Khi hàng hóa đã được nhập khẩu vào thị trường châu Âu, trong vòng 1 năm doanh nghiệp có thể nộp các hồ sơ chứng từ để chứng minh hàng hóa xuất khẩu của mình đã được nhập khẩu vào một trong các nước thành viên EU.

“Khi đó cơ quan Hải quan sẽ thực hiện xử lý tiền thuế nộp thừa cho DN, tức là thủ tục hoàn thuế”-  bà Hương cho biết.

Về chứng từ, doanh nghiệp phải có công văn đề nghị xử lý tiền thuế nộp thừa theo quy trình thủ tục quy định tại Thông tư 39/2018/TT-BTC. Bên cạnh đó doanh nghiệp phải bổ sung các chứng từ chứng minh vận tải, đích đến là một trong những nước thành viên EU, ngoài ra còn có tờ khai nhập khẩu vào nước thanh viên EU.

Sau khi doanh nghiệp nộp đầy đủ hồ sơ chứng từ, cơ quan Hải quan sẽ hướng dẫn khai bổ sung. Nếu thuế xuất khẩu được hưởng ưu đãi trong EVFTA thấp hơn so với thuế suất tại biểu thuế xuất khẩu thông thường thì DN sẽ được cơ quan Hải quan thực hiện hoàn thuế và xử lý số tiền thuế nộp thừa.

Cụ thể, tại EVFTA, cam kết thuế xuất khẩu của Việt Nam như sau: Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu với hàng hóa xuất khẩu sang EU với lộ trình lên đến 15 năm, trừ những mặt hàng được duy trì thuế xuất khẩu tập trung vào một số nhóm hàng quan trọng như dầu thô, than đá (trừ than để luyện cốc và than cốc)…

Cam kết về thuế xuất khẩu trong Hiệp định EVFTA cơ bản tương tự như cam kết về thuế xuất khẩu của Việt Nam trong CPTPP.

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT TNHH ĐỖ GIA VIỆT

Giám đốc - Luật sư:  Đỗ Ngọc Anh
Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Văn phòng luật sư Hải Phòng: Số 102, Lô 14 đường Lê Hồng Phong, Phường Đằng Lâm, Quận Hải An, Hải Phòng.
Điện thoại: 0944 450 105
Email: luatdogiaviet@gmail.com
Hệ thống Website:
www.luatdogiaviet.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai #thuhoino
Bài trướcBị can, bị cáo không mời người bào chữa có được chỉ định người bào chữa không?
Bài tiếp theoRà soát toàn bộ các quy định của một số Công ty tài chính về cấp tín dụng, đôn đốc thu hồi nợ