Quy định về giải thể doanh nghiệp tại Luật Doanh nghiệp năm 2014 và một số kiến nghị hoàn thiện

0
415

1. Giải thể doanh nghiệp – phương thức chấm dứt hoạt động kinh doanh được doanh nghiệp lựa chọn phổ biến tại Việt Nam
Giải thể doanh nghiệp là việc chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp bằng cách thanh lý tài sản của doanh nghiệp để thực hiện toàn bộ các nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp[1]. Trong điều kiện kinh tế thị trường, giải thể doanh nghiệp là hoạt động diễn ra phổ biến tại nhiều nền kinh tế trên thế giới. Nhiều quốc gia trên thế giới luật hóa vấn đề giải thể doanh nghiệp trong các đạo luật về doanh nghiệp của họ. Chẳng hạn, Luật Công ty năm 2015 của Canada đã dành hẳn Chương XVIII từ Section 207 đến Section 229 để điều chỉnh việc giải thể và thanh lý tài sản của công ty bị giải thể. Khác với quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014 của Việt Nam – trao quyền quyết định cho phép doanh nghiệp được giải thể cho cơ quan đăng ký kinh doanh, Luật Công ty năm 2015 của Canada trao quyền quyết định giải thể và giám sát việc giải thể công ty cho Tòa án. Tại Canada, các giám đốc của công ty và các cổ đông có quyền biểu quyết tại Đại hội cổ đông thường niên đều có quyền đưa ra đề nghị thanh toán tự nguyện và giải thể công ty[2]. Tương tự như Luật Công ty năm 2015 của Canada, Luật Doanh nghiệp thương mại năm 2005 của Cambodia có Chương 3 từ Điều 251 đến Điều 269 quy định về giải thể và thanh lý tài sản của doanh nghiệp. Tại Cambodia, cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ giải thể và giải quyết cho doanh nghiệp giải thể là Bộ Thương mại, ngoài ra, còn có sự tham gia của tòa án trong việc giám sát giải thể doanh nghiệp[3]. Luật Công ty năm 2013 của Trung Quốc quy định việc giải thể công ty tại Chương X, từ Điều 180 – Điều 190. Theo quy định tại Luật này thì thứ tự thanh lý tài sản của một công ty bị giải thể trước hết phải thanh toán chi phí giải thể, sau đó đến quyền lợi của người lao động và cuối cùng là các khoản nợ của công ty. Sau khi hoàn thành việc thanh toán các nghĩa vụ nợ, Tổ thanh lý tài sản nộp hồ sơ giải thể đến Đại hội cổ đông của công ty hoặc nộp cho tòa án cũng như cho cơ quan đăng ký kinh doanh để hoàn tất thủ tục giải thể công ty[4].
Tại Việt Nam, quy định về giải thể doanh nghiệp gắn liền với quá trình ra đời và phát triển của pháp luật doanh nghiệp qua các thời kỳ lịch sử khác nhau, từ năm 1990 đến nay. Hiện tại, các quy định đó được điều chỉnh từ Điều 201 đến Điều 204 Luật Doanh nghiệp năm 2014. Thực tiễn gần 4 năm thực thi Luật Doanh nghiệp năm 2014 cho thấy, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam chọn phương thức giải thể để chấm dứt hoạt động kinh doanh. Cụ thể, kê lại tài sản của mình, phiệm tập hợpgười thanh lý tài sản của công ty bị giải thể.ranh khắc nghiệt macông ttheo thống kê của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), chỉ trong năm 2018, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 16.314 doanh nghiệp, tăng 34,7% so với năm 2017, trung bình mỗi ngày ở Việt Nam có 45 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể[5].
Về mặt pháp lý, doanh nghiệp có thể lựa chọn một trong hai phương thức sau để chấm dứt hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp: một là, thực hiện thủ tục giải thể – thủ tục hành chính được tiến hành tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh; hai là, thực hiện thủ tục phá sản mang tính tố tụng tư pháp, yêu cầu tòa án tuyên bố chấm dứt hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Thực tế, hầu hết các doanh nghiệp tại Việt Nam đều chọn phương thức chấm dứt hoạt động kinh doanh theo thủ tục giải thể để rút lui khỏi thương trường, còn thủ tục phá sản ít được cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đón nhận. Bằng chứng là theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, trong giai đoạn 10 năm thực thi Luật Phá sản năm 2004 (từ năm 2004 đến năm 2014) các tòa án trên cả nước chỉ tuyên bố phá sản có… 84 doanh nghiệp. Thậm chí từ ngày 01/01/2015 đến nay, số lượng doanh nghiệp bị phá sản tại Việt Nam cũng không đáng kể so với phương thức giải thể doanh nghiệp – vốn được nhà đầu tư lựa chọn phổ biến hơn. Số lượng doanh nghiệp phá sản ít xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như do thủ tục phá sản doanh nghiệp tại Việt Nam phức tạp, nhiêu khê so với mặt bằng chung của thế giới. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), để phá sản một doanh nghiệp tại Việt Nam, nhà đầu tư phải mất gần 5 năm, tiêu tốn 14,5% chi phí tài chính trên giá trị tài sản của doanh nghiệp6. Trong hoàn cảnh đó, thủ tục giải thể doanh nghiệp tất yếu được các nhà đầu tư lựa chọn như giải pháp phù hợp nhất để đóng cửa doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để giải thể một doanh nghiệp hợp pháp thì doanh nghiệp phải thuộc một trong bốn trường hợp giải thể được quy định tại Điều 201 Luật Doanh nghiệp năm 2014. Ngoài ra, doanh nghiệp phải thanh toán hết các khoản nợ cho các chủ nợ trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày thông qua quyết định giải thể và không bị “vướng” vào tranh chấp tố tụng tại tòa án hoặc trọng tài…
2. Những hạn chế của pháp luật về giải thể doanh nghiệp
Qua quá trình thực thi Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã phát sinh một số bất cập sau :
Thứ nhất, Luật Doanh nghiệp năm 2014 chưa có quy định kiểm soát tình trạng doanh nghiệp bỏ trốn, “mất tích” trong nền kinh tế.
Thực tế, trong thời gian dài đã có một bộ phận doanh nghiệp chấm dứt hoạt động kinh doanh mà không tuân thủ trình tự, thủ tục và điều kiện giải thể doanh nghiệp theo quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014. Thống kê cho thấy, tại thời điểm tháng 04/2018, cả nước có khoảng 8.000 doanh nghiệp “mất tích”, với nợ bảo hiểm xã hội khoảng 2.000 tỷ đồng7. Điển hình là vụ biến mất của Công ty TNHH Nam Phương (100% vốn Hàn Quốc tại khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh) vào thời điểm tháng 01/2018 đã gây ảnh hưởng đến quyền lợi của gần 600 công nhân. Hoặc trường hợp Công ty TNHH BumJin Vina tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh mà Ông Park Kye Ho – Giám đốc, đại diện pháp luật của công ty đã bỏ trốn vào ngày 10/02/2018 để lại khoản nợ bảo hiểm xã hội hơn 2,9 tỷ đồng chưa thanh toán hoặc Công ty KL Texwell Vina có trụ sở chính tại tỉnh Đồng Nai cũng biến mất vào thời điểm tháng 02/2018 để lại khoản nợ lương người lao động tháng 01/2018 gần 13,7 tỉ đồng và khoản nợ bảo hiểm xã hội 17,5 tỉ đồng8
Việc nhiều doanh nghiệp biến mất, bỏ trốn trong nền kinh tế Việt Nam không còn là hiện tượng cá biệt. Song, toàn bộ nội dung Luật Doanh nghiệp 2014, Nghị định 96/2015/NĐ-CP, Nghị định 78/2015/NĐ-CP, kể cả Nghị định 108/2018/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Nghị định 78/2015/NĐ-CP) của Chính phủ lại không có điều khoản nào đề cập đến nội dung doanh nghiệp bỏ trốn và các quy định pháp luật cụ thể để xử lý hiện tượng doanh nghiệp giải thể “chui” nói trên.
Nghị định 108/2018/NĐ-CP được ban hành có quy định về trình tự, thủ tục thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tại Điều 63, song cũng chỉ quy định chung chung như sau: Trường hợp doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh một năm mà không thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế thì Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo bằng văn bản về hành vi vi phạm và yêu cầu người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đến trụ sở của Phòng để giải trình. Sau 10 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc thời hạn hẹn trong thông báo mà người được yêu cầu không đến hoặc nội dung giải trình không được chấp thuận thì Phòng Đăng ký kinh doanh ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Hoặc, trường hợp doanh nghiệp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế theo quy định tại khoản 26 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của thủ trưởng cơ quan quản lý thuế thì Phòng Đăng ký kinh doanh thực hiện thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Mặt khác, đến thời điểm 04/2019, Chính phủ cũng chưa ban hành Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp bỏ trốn để xử lý hành vi của các nhà đầu tư rút lui khỏi thương trường không tuân thủ luật định. Thời gian qua, các nghị định về xử phạt hành chính phần lớn chỉ gián tiếp xử phạt doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác của nền kinh tế như lĩnh vực kế toán (Nghị định 41/2018/NĐ-CP), lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp (Nghị định 50/2016/NĐ-CP) hoặc trong lĩnh vực quản lý thuế, hóa đơn (Nghị định 49/2016/NĐ-CP),… mà không có một văn bản nào quy định về xử phạt hành chính áp dụng đối với doanh nghiệp bỏ trốn, giải thể “chui”.
Điều 36 của Nghị định 50/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư chỉ đề cập đến mức xử phạt từ 5 – 10 triệu đồng đối với hai hành vi vi phạm của doanh nghiệp khi giải thể, đó là doanh nghiệp không tiến hành giải thể trong các trường hợp giải thể bắt buộc (doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo luật định trong thời hạn 6 tháng và kết thúc thời hạn hoạt động ghi trong điều lệ công ty mà không được gia hạn) và doanh nghiệp không gửi quyết định giải thể đến cho các cơ quan hữu quan theo luật định. Vấn đề xử lý đối với hành vi bỏ trốn của chủ doanh nghiệp vẫn còn bỏ ngỏ trong quy định tại Nghị định 50/2016/NĐ-CP.
Trước đó, vào thời điểm năm 2009, khi hiện tượng chủ doanh nghiệp bỏ trốn có chiều hướng gia tăng, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 30/2009/QĐ-TTg về hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế. Điều 2 của Quyết định 30/2009/QĐ-TTg quy định: người lao động bị mất việc làm tại doanh nghiệp mà chủ doanh nghiệp bỏ trốn trong năm 2009 thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ứng ngân sách địa phương trả cho người lao động có trong danh sách trả lương của doanh nghiệp khoản tiền lương mà doanh nghiệp còn nợ người lao động. Như vậy, Quyết định 30/2009/QĐ-TTg có nhắc đến khái niệm “chủ doanh nghiệp bỏ trốn”, nhưng tiêu chí như thế nào là “chủ doanh nghiệp bỏ trốn” đến nay vẫn chưa có định nghĩa cụ thể. Đồng thời, cũng chưa có quy định về quy trình xử lý tài sản đối với doanh nghiệp có chủ bỏ trốn. Đây chính là “điểm thắt”, khiến người lao động và chủ nợ của doanh nghiệp bỏ trốn bị thiệt hại nghiêm trọng về quyền lợi. Có thể nói, các hạn chế trên của pháp luật doanh nghiệp và pháp luật về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giải thể doanh nghiệp đã làm cho tình trạng giải thể doanh nghiệp “chui” tại Việt Nam thời gian qua có chiều hướng diễn biến xấu, gây nhiều hệ lụy tiêu cực về kinh tế – xã hội cho nền kinh tế.
Thứ hai, chưa có Nghị định hướng dẫn trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp theo quy định tại khoản 9 Điều 202 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình thực thi luật trong thực tiễn, khoản 9 Điều 202 Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã giao Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành Điều 202 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Tuy nhiên, đến thời điểm tháng 05/2019, tức là gần 4 năm thực thi Luật Doanh nghiệp 2014, Chính phủ Việt Nam cũng chưa ban hành Nghị định để quy định chi tiết về trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp theo sự giao phó của Quốc hội. Sự chậm trễ trên cũng gây khó khăn, lúng túng không ít cho doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình giải quyết giải thể cho doanh nghiệp tại Việt Nam. Chẳng hạn, khoản 1 Điều 202 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định: Một quyết định giải thể doanh nghiệp phải có những nội dung chính nhưng không đề cập đến hình thức thể hiện của quyết định giải thể đó là gì? Bằng văn bản hay bằng tệp điện tử hay bằng lời nói?… Hoặc theo quy định của khoản 3 Điều 202 Luật Doanh nghiệp năm 2014, trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày thông qua, quyết định giải thể và biên bản họp phải được gửi đến Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, người lao động trong doanh nghiệp. Song, phương thức gửi các quyết định giải thể trên là gì cũng chưa được làm rõ, gây trở ngại cho quá trình áp dụng pháp luật. Nếu những vấn đề trên được cụ thể hóa tại Nghị định thi hành Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì mới đảm bảo được sự thông suốt của trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp.
Thứ ba, hồ sơ giải thể chưa được cập nhật theo quy định mới tại Luật Doanh nghiệp 2014 về thủ tục khắc dấu doanh nghiệp, gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Điều 44 Luật Doanh nghiệp năm 2014 cho phép doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp. Việc sử dụng, quản lý và lưu giữ con dấu thực hiện theo quy định tại Điều lệ công ty. Như vậy, doanh nghiệp có quyền chủ động trong việc khắc dấu mà không phải thực hiện thủ tục đăng ký mẫu dấu/khắc dấu tại Sở Công an như quy định trước đây tại Luật Doanh nghiệp năm 2005. Số lượng con dấu cũng do doanh nghiệp tự quyết. Hệ quả, có thể có những doanh nghiệp không có nhu cầu sử dụng con dấu thì họ sẽ không tốn kém chi phí tài chính để khắc dấu. Bên cạnh đó, Khoản 4 Điều 44 Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng có quy định thông thoáng khi xác định con dấu của doanh nghiệp được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc các bên giao dịch có thỏa thuận về việc sử dụng dấu.
Tuy nhiên, theo quy định của khoản 1 Điều 204 Luật Doanh nghiệp năm 2014, trong hồ sơ giải thể doanh nghiệp nộp cho cơ quan đăng ký kinh doanh, ngoài thông báo giải thể doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Báo cáo thanh lý tài sản của doanh nghiệp thì nhà làm luật còn yêu cầu doanh nghiệp nộp lại con dấu/giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu (nếu có). Theo chúng tôi, quy định trên là không cần thiết vì những lý do sau đây:
Thứ nhất, theo nguyên lý chung, con dấu của doanh nghiệp là do doanh nghiệp tự quyết định việc có hay không và có với số lượng bao nhiêu con dấu cũng do ý chí của doanh nghiệp tự quyết, Nhà nước không còn kiểm soát việc hình thành con dấu của doanh nghiệp khắt khe như quy định trước đây tại Luật Doanh nghiệp năm 2005. Do đó, yêu cầu doanh nghiệp nộp trả lại con dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh là không còn phù hợp với quy định về cải cách thủ tục hành chính trong thành lập doanh nghiệp, hoàn toàn lệch pha so với quy định về quyền tự chủ trong khắc con dấu của doanh nghiệp theo quy định tại Điều 44 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Thứ hai, việc quy định doanh nghiệp phải nộp trả con dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh nhưng không nêu cụ thể doanh nghiệp phải nộp trả với số lượng bao nhiêu con dấu: chỉ nộp một con dấu mang tính tượng trưng hay tất cả các con dấu mà doanh nghiệp đang sở hữu? dẫn đến nhiều cách hiểu và áp dụng pháp luật khác nhau trên thực tế thời gian qua tại Việt Nam.
Thứ ba, con dấu doanh nghiệp tự khắc, giá trị pháp lý của con dấu cũng chỉ là được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc các bên giao dịch có thỏa thuận về việc sử dụng dấu, không còn mang tính thiết yếu đối với doanh nghiệp như trước đây. Điều 400 và Điều 401 Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ quy định: hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác. Còn thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản được giải thích là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hay bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản. Như vậy, Bộ luật Dân sự năm 2015 không có quy định nào ràng buộc các hợp đồng ký kết bằng văn bản phải có đóng dấu của doanh nghiệp thì mới có hiệu lực pháp luật. Điều đó có nghĩa là tính pháp lý của con dấu cũng không mang nhiều ý nghĩa trong thực tiễn hoạt động thương mại của doanh nghiệp. Do đó, nếu quy định doanh nghiệp nộp trả con dấu mà doanh nghiệp lại tự đi khắc thêm các con dấu khác để giao dịch thì liệu Nhà nước có kiểm soát được hoạt động này không? Vì vậy, quy định hồ sơ giải thể phải đính kèm con dấu và giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu là không phù hợp với thực tế hoạt động của doanh nghiệp và mâu thuẫn với quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014 trong cải cách thủ tục khắc dấu, không mang nhiều ý nghĩa về mặt quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp
Thứ tư, Luật Doanh nghiệp năm 2014 chưa quy định về thủ tục giải thể doanh nghiệp bằng phương thức trực tuyến (online).
Trong bối cảnh công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay thì phần lớn các quốc gia trên thế giới đều ứng dụng công nghệ cao vào phát triển kinh tế, đặc biệt là trong hoạt động quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tiết giảm chi phí tài chính, thời gian, công sức cho doanh nghiệp. Tại Việt Nam, thủ tục đăng ký doanh nghiệp đã có những thay đổi mang tính đột phá thông qua các quy định tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP và Nghị định 108/2018/NĐ-CP. Nhà nước khuyến khích nhà đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong thủ tục gia nhập thị trường, với nhiều lợi thế đáng kể về thời gian, chi phí tài chính. Chẳng hạn, theo quy định tại Thông tư 130/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính thì doanh nghiệp đăng ký online sẽ được miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp, còn nếu đăng ký trực tiếp sẽ phải tốn lệ phí là 100.000 đồng.
Tuy nhiên, đối với thủ tục giải thể doanh nghiệp, việc ứng dụng công nghệ cao vẫn là một bước lùi so với thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Bằng chứng là Luật Doanh nghiệp năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành không có quy định nào điều chỉnh quy trình, thủ tục giải thể doanh nghiệp online nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong quá trình rút lui khỏi thị trường. Từ ngày 01/07/2015 cho đến nay, doanh nghiệp vẫn phải trực tiếp nộp hồ sơ giải thể tại cơ quan đăng ký kinh doanh, mối quan hệ giữa nhà đầu tư với cơ quan công quyền phát sinh trong quá trình giải thể doanh nghiệp đều được giải quyết bằng phương thức liên hệ trực tiếp, làm phát sinh chi phí tài chính, thời gian, công sức cho nhà đầu tư một cách không đáng có, đi ngược lại với xu thế chung của thế giới, không phù hợp với nỗ lực xây dựng một chính phủ điện tử mà nhà nước Việt Nam đang thực hiện trong giai đoạn hội nhập hiện nay.
Thứ năm, Luật Doanh nghiệp năm 2014 chưa quy định việc gửi quyết định giải thể doanh nghiệp cho cơ quan bảo hiểm xã hội để đảm bảo nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động trước khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động.
Hiện tại, khoản 3 Điều 202 Luật Doanh nghiệp năm 2014 chỉ quy định trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày thông qua, quyết định giải thể và biên bản họp phải được gửi đến cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, người lao động trong doanh nghiệp, đăng quyết định giải thể trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và niêm yết công khai tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp. Trong khi đó, theo quy định của khoản 5 Điều 202 và khoản 1 Điều 204 Luật Doanh nghiệp năm 2014, thứ tự thanh lý tài sản của doanh nghiệp khi giải thể và trong hồ sơ giải thể doanh nghiệp gửi về cho cơ quan đăng ký kinh doanh luôn đề cập đến việc thanh toán nợ bảo hiểm xã hội đối với người lao động. Vai trò của cơ quan bảo hiểm xã hội tại địa phương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính là chủ thể quản lý tiền bảo hiểm xã hội mà doanh nghiệp đóng cho người lao động, nhưng khi doanh nghiệp giải thể thì quyết định giải thể lại không được gửi đến cho cơ quan bảo hiểm xã hội là không phù hợp. Bởi lẽ, thực tế việc cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, giám sát doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội được xem như một trong những điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp giải thể. Việc bỏ sót chủ thể được thông báo/gửi quyết định giải thể là cơ quan bảo hiểm xã hội như trên vô hình trung gây khó khăn không ít cho doanh nghiệp trong quá trình giải thể, vì nếu cơ quan bảo hiểm xã hội không nắm được thông tin doanh nghiệp giải thể ngay từ đầu thì khó cho cơ quan này xác nhận cho doanh nghiệp giải thể việc hoàn thành nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, do đó dễ dẫn đến việc ách tắc trong tiến trình giải thể doanh nghiệp trên thực tế.
3. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về giải thể doanh nghiệp
Để tạo thuận lợi cho quá trình giải thể doanh nghiệp trong thời gian tới và khắc phục các vướng mắc, bất cập của quy định pháp luật doanh nghiệp thời gian qua, chúng tôi kiến nghị một số nội dung hoàn thiện pháp luật như sau:
Thứ nhất, luật hóa tiêu chí xác định chủ doanh nghiệp bỏ trốn để làm cơ sở giải quyết cho giải thể các doanh nghiệp “mất tích” trong nền kinh tế và bổ sung một số trường hợp giải thể doanh nghiệp vào Luật Doanh nghiệp năm 2014 cho phù hợp với diễn biến thực tế của doanh nghiệp Việt Nam. Đối với tiêu chí xác định một doanh nghiệp mất tích/chủ doanh nghiệp bỏ trốn, Luật Doanh nghiệp cần quy định trong vòng bao nhiêu ngày người đại diện của doanh nghiệp vắng mặt mà không có thông báo cho chính quyền sở tại và không có ủy quyền hợp pháp cho người khác hoặc các cơ quan chức năng đã có thông báo công khai mà chủ doanh nghiệp không có phản hồi thì được xem là “chủ doanh nghiệp bỏ trốn”. Khi đó, cơ quan chức năng được quyền thanh lý tài sản của doanh nghiệp theo luật định để trả lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động. Đồng thời, qua đó làm cơ sở cho người lao động hoặc tổ chức Công đoàn khởi kiện, yêu cầu phá sản doanh nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Thứ hai, sửa đổi khoản 3 Điều 202 Luật Doanh nghiệp năm 2014 theo hướng bổ sung quy định yêu cầu doanh nghiệp giải thể phải gửi quyết định giải thể doanh nghiệp đến cơ quan bảo hiểm xã hội bên cạnh các cơ quan hữu quan khác. Theo đó, trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày thông qua, quyết định giải thể và biên bản họp phải được gửi đến Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, cơ quan bảo hiểm xã hội và người lao động trong doanh nghiệp. Việc bổ sung chủ thể cơ quan bảo hiểm xã hội được gửi/thông báo quyết định giải thể nêu trên sẽ khắc phục các rào cản trong thủ tục giải thể doanh nghiệp thời gian qua tại Việt Nam, không những góp phần bảo vệ quyền lợi người lao động, mà còn đảm bảo cho việc quản lý nhà nước của cơ quan bảo hiểm xã hội đối với doanh nghiệp giải thể được chặt chẽ hơn, hạn chế các trở ngại phát sinh trong quá trình thanh lý tài sản của doanh nghiệp giải thể.
Thứ ba, Chính phủ cần ban hành Nghị định quy định chi tiết về trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp theo quy định của Khoản 9 Điều 202 Luật Doanh nghiệp năm 2014 nhằm tạo thuận lợi cho việc giải quyết giải thể doanh nghiệp từ phía cơ quan công quyền lẫn doanh nghiệp.

TRẦN HUỲNH THANH NGHỊ

Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT TNHH ĐỖ GIA VIỆT

Giám đốc - Luật sư:  Đỗ Ngọc Anh
Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Văn phòng luật sư Hải Phòng: Số 102, Lô 14 đường Lê Hồng Phong, Phường Đằng Lâm, Quận Hải An, Hải Phòng.
Điện thoại: 0944 450 105
Email: luatdogiaviet@gmail.com
Hệ thống Website:
www.luatdogiaviet.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai #thuhoino
Bài trướcXử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi thi công công trình không có giấy phép xây dựng, sai nội dung giấy phép xây dựng
Bài tiếp theoTội buôn lậu qua biên giới với tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới