Thừa kế và di chúc là thể hiện ý chí cuối cùng của người người đã khuất đối với hậu thế. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp khi mà di chúc không rõ ràng, không có di chúc hợp pháp thì việc chia di sản, tài sản thừa kế lại trở nên khó khăn và dễ dàng gây ra tranh chấp giữa những thành viên trong gia đình. Vì vậy, dịch vụ luật sư giải quyết tranh chấp về thừa kế đã ra đời để đáp ứng nhu cầu nói trên và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp nhất cho thân chủ.
Di chúc là gì?
Theo quy định của pháp luật thì di chúc được định nghĩa cụ thể tại Điều 624 Bộ luật dân sự 2015, đó là:
Điều 624. Di chúc
Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.
Một người trong cả cuộc đời chắc chắn sẽ có một sự tích lũy, dù lớn dù nhỏ thì chắc hẳn họ đều mong muốn giao cho những người là con cái, những người mình yêu thương. Để giao nhận khối tài sản, di sản này cho hậu thế thì di chúc phải đầy đủ, hợp pháp hoặc được chia theo trình tự pháp luật. Pháp luật cũng quy định cụ thể rằng việc lập di chúc phải được thực hiện khi người đó đang còn minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối và đe dọa. Điều 630 Bộ luật dân sự cũng có những quy định hết sức cụ thể về di chúc hợp pháp, đó là:
Điều 630. Di chúc hợp pháp
1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
Thừa kế theo pháp luật
Trong nhiều trường hợp, việc chia thừa kế không phụ thuộc vào di chúc mà dựa trên pháp luật. Điều 649 Bộ luật dân sự 2015 có định nghĩa thế nào là thừa kế theo pháp luật, cụ thể:
Điều 649. Thừa kế theo pháp luật
Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.
Một số trường hợp những di sản thừa kế được cố nhân để lại sẽ được chia theo quy định của pháp luật dù có hay không có di chúc, cụ thể như sau:
Điều 650. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật
1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:
a) Không có di chúc;
b) Di chúc không hợp pháp;
c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Tranh chấp thừa kế, di chúc
Trên thực tế, qua quá trình hành nghề luật sư giải quyết tranh chấp thừa kế thì tôi nhận thấy rằng có rất nhiều trường hợp vi phạm điều nói trên. Những người con đôi khi tự ý lập di sản và lợi dụng tình trạng chăm sóc, lệ thuộc mà ép buộc người thân ký vào những bản di chúc đó. Và tất nhiên việc tranh chấp xảy ra là điều dễ hiểu, tuy nhiên thì bản di chúc như vậy sẽ không được công nhận về mặt pháp lý.
Theo kinh nghiệm của bản thân thì sẽ có một số tranh chấp thường xảy ra trong quá trình nhận di sản thừa kế như sau:
- Tranh chấp phát sinh của người trực tiếp nuôi dưỡng, phụng dưỡng cha mẹ đối với những anh/ chị em lẩn tránh nghĩa vụ này;
- Tranh chấp phát sinh với những người ngoài, không cùng huyết thống nhưng lại được nhận thừa kế vì một lý do nào đó;
- Tranh chấp khi những người đồng thừa kế (anh/ chị/ em) được chia những phần không đều, hoặc không thống nhất phương án chia tài sản thừa kế;
- Tranh chấp khi các đồng thừa kế không thống nhất được mục đích sử dụng di sản thừa kế (Như là cùng để tài sản cho mục đích thờ cúng, người muốn bán người thì không);
- Tranh chấp khi phát hiện giả mạo di chúc, tranh chấp giả mạo chữ ký;
- Tranh chấp khi từ chối nhận di sản, tranh chấp về các nghĩa vụ tài chính sau khi nhận di sản;
- Tranh chấp khi không nhận được phần di sản thừa kế hoặc không có tên trong di chúc …
Quý vị có thể thấy rằng, tranh chấp phát sinh về di sản thừa kế là tranh chấp dễ xảy ra trong bất cứ trường hợp nào. Các hình thức tranh chấp cũng rất đa dạng và khó để phòng tránh khi không có sự tư vấn hỗ trợ của luật sư về di chúc. Khi có sự tham vấn và theo sát của luật sư thì quý khách sẽ nhận được sự an tâm và hợp pháp, cụ thể như sau:
- Được tư vấn và hỗ trợ để hiểu cơ bản về pháp luật thừa kế, di chúc;
- Cung cấp dịch vụ luật sư soạn thảo di chúc hợp pháp;
- Biết được những quyền lợi và nghĩa vụ của mình sau khi nhận và không nhận di sản thừa kế;
- Luật sư là người làm chứng khi kê khai, chia thừa kế để đảm bảo tính pháp lý cao nhất;
- Đưa ra những chỉ dẫn và giải đáp để đạt được những mục đích và lợi thế trong một vụ việc thừa kế;
- Luật sư luôn có mặt và đảm bảo các bên thừa kế tuân thủ quy định của pháp luật;
- Luật sư tranh tụng, đại diện các bên thương thảo, thỏa thuận, tranh tụng về quyền hưởng di sản thừa kế, luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng cho thân chủ bị xâm phạm quyền;
- Khi có tranh chấp xảy ra, luật sư trở thành đại diện để làm việc, giải quyết vụ việc cũng như đồng thời tiến hành những giai đoạn tố tụng khi cần thiết.
Vụ việc về thừa kế luôn phức tạp, đặc biệt trong trường hợp gia đình có ý kiến trái chiều hoặc khó đồng thuận. Việc có một luật sư tham gia cùng từ giai đoạn sớm đầu sẽ giúp thân chủ có lợi thế cơ bản để đạt được những gì mình mong muốn.
Di chúc – Những sai lầm thường gặp
Di chúc là sự thể hiện mong muốn, nguyện vọng của một người về việc phân chia tài sản của mình sau khi chết. Tuy nhiên, di chúc phải đảm bảo hợp pháp và có hiệu lực thì di sản của người chết mới được phân chia theo đúng ý nguyện của người đó. Nếu di chúc không có hiệu lực thì tài sản đề lại sẽ được phân chia theo quy định pháp luật, dẫn đến việc phân chia di sản có thể sẽ không đúng với mong muốn của người chết.
Vậy cần làm gì để đảm bảo di chúc có hiệu lực?
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, hãy cùng xem ý kiến của Luật sư qua các tình huống thường gặp trong thực tế sau.
Tình huống 1: Người lập di chúc đang bị bệnh nặng muốn lập di chúc cho con trai đầu mảnh vườn, con gái út được giao cho căn nhà.
Người con viết lại ý nguyện của cha thành văn bản, sau đó đọc lại để người cha ký tên, đồng thời các con cùng ký tên vào di chúc.
Ý kiến của Luật sư:
Trong tình huống này có một số nội dung cần lưu ý như sau:
Thứ nhất, người cha đang bệnh nặng và muốn lập di chúc.
Theo quy định, người lập di chúc phải trong trạng thái minh mẫn, sáng suốt khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép.
Thứ hai, tình huống không thể hiện người cha có bao nhiêu người con, tuy nhiên, người cha muốn cho người con đầu và người con út được hưởng di sản của mình, điều này hoàn toàn hợp pháp.
Tuy nhiên, có một điểm cần lưu ý là nếu người cha này còn cha mẹ, vợ và con chưa thành niên, thì những người này cũng sẽ được hưởng di sản mà không phụ thuộc vào nội dung di chúc.
Thứ ba, theo tình huống, sau khi người cha ký, hai người con cũng ký tên, như là người làm chứng việc lập di chúc của cha mình. Việc làm chứng này sẽ làm cho di chúc không hợp pháp, vì theo quy định của pháp luật, những người sau đây không được làm chứng, gồm:
- Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc.
- Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc.
- Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Nghĩa là con không thể làm chứng trong tờ di chúc do cha mình lập.
Ngoài ra, nội dung di chúc cần phải thể hiện đúng và đầy đủ nội dung của một di chúc như: thông tin nhân thân đầy đủ của người lập di chúc, thông tin nhân nhân thân đầy đủ của người được hưởng di sản, nêu và liệt kê đầy thông tin về tài sản đầy đủ, nhất là đối với tài sản có giấy chứng nhận đăng ký, sở hữu,… chi tiết và form mẫu di chúc, các bạn có thể tham khảo phía bên dưới.
Tình huống 2: Một người muốn viết di chúc để lại di sản cho các con nên tham khảo ý kiến của người thân, đồng thời nhờ một người hàng xóm đánh máy và làm chứng.
Ý kiến của Luật sư:
Thứ nhất, người lập di chúc phải trong trạng thái minh mẫn, sáng suốt khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép
Việc một người hỏi người khác để tham khảo ý kiến trước khi lập di chúc không làm cho di chúc không có hiệu lực, vì quyết định cuối cùng về việc định đoạt tài sản vẫn thuộc về người đó, trừ khi người lập di chúc bị bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép thì di chúc đó không có hiệu lực.
Thứ hai là việc người lập di chúc nhờ người khác (hàng xóm) đánh máy. Nếu người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.
Vậy trong trường hợp này, phải có 2 người làm chứng.
Xin lưu ý, di chúc có thể được thể hiện bằng lời nói hoặc bằng văn bản. Di chúc bằng văn bản thì có các loại di chúc như:
- Di chúc bằng văn bản có người làm chứng;
- Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng;
- Di chúc bằng văn bản được công chứng;
- Di chúc bằng văn bản được chức thực.
Lưu ý rằng pháp luật chỉ quy định một số di chúc bắt buộc phải công chứng, chứng thực như:
- Di chúc của người bị hạn chế về thể chất;
- Di chúc của người không biết chữ;
- Di chúc được lập bằng tiếng nước ngoài.
Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực vẫn được coi là hợp pháp nếu đáp ứng đủ các điều kiện về người lập di chúc, nội dung và hình thức của di chúc.
Tình huống 3: Di sản thừa kế được phân chia như thế nào nếu:
- Người được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc chết trước người lập di chúc;
- Di sản thừa kế không còn hoặc chỉ còn lại một phần so với giá trị được đề cập trong di chúc.
Ý kiến của Luật sư:
Theo quy định pháp luật, di chúc sẽ có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế (là thời điểm người lập di chúc chết).
Tuy nhiên, di chúc không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần nếu rơi vào các trường hợp sau:
- Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc.
- Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
- Di sản không còn vào thời điểm mở thừa kế.
Như vậy, điều kiện để di chúc có hiệu lực là vào thời điểm mở thừa kế:
- Người thừa kế theo di chúc còn sống
- Cơ quan, tổ chức được chỉ định thừa kế còn tồn tại
- Di sản của người chết vẫn còn. Nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.
Vậy nên,
- Nếu người được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc chết trước người lập di chúc thì phần di chúc phân chia di sản cho người này không có hiệu lực. Theo đó, di sản này sẽ thực hiện phân chia thừa kế theo pháp luật.
- Nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.
- Nếu di sản hoặc phần di sản để lại cho người thừa kế không còn thì phần di chúc về di sản/ phần di sản này không có hiệu lực.
Tình huống 4: Cha mẹ đã lập di chúc phân chia tài sản cho các con, tuy nhiên vì người con ngỗ ngược nên muốn sửa đổi hay hủy bỏ di chúc đã lập thì có được hay không?
Ý kiến của Luật sư:
Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế, là thời điểm người lập di chúc chết, nghĩa là di chúc chưa có hiệu lực khi người lập di chúc còn sống, nên người đó hoàn toàn có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế thậm chí hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào.
Đối với tình huống, dù đã viết di chúc để lại một phần tài sản cho con, nhưng nếu người con này ngỗ ngược hoặc vì bất cứ lý do gì, người mẹ có quyền sửa lại nội dung di chúc đó, theo đó, không để lại tài sản thừa kế cho người con.
Xin lưu ý thêm:
Thứ nhất, khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực.
Thứ hai, trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
DI CHÚC
Hôm nay, ngày … tháng ….. năm …., tại ……………………………………………………..,
Tôi là: ………………………………….
Sinh ngày …. tháng …. năm …………
CMND/CCCD/Hộ chiếu số: …………………… do ……………………… cấp ngày ………………..
Hộ khẩu thường trú tại: ……………………………………………………………………………………….
Nay, trong trạng thái tinh thần hoàn toàn minh mẫn, sáng suốt, không bị bất kỳ một sự lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép nào, tôi lập di chúc này để định đoạt như sau:
Tài sản của tôi gồm: (1)
1/ Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu, sử dụng của tôi theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất …………………………….. Số phát hành ………………… số vào sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: …………………… do …………………………. cấp ngày ………………….
Thông tin cụ thể như sau:
* Quyền sử dung đất:
– Diện tích đất: ……. m2 (Bằng chữ: …………………… mét vuông)
– Địa chỉ thửa đất: …………………………………………….
– Thửa đất: ……….. – Tờ bản đồ: ………….
– Mục đích sử dụng: …………………
– Thời hạn sử dụng: ………………………..
– Nguồn gốc sử dụng: ………………………………………………
* Tài sản gắn liền với đất:
– Loại nhà: ……………………; – Diện tích sàn: ……… m2
– Kết cấu nhà : …………………; – Số tầng : ………….
– Thời hạn xây dựng: …………; – Năm hoàn thành xây dựng : …………
2/ Quyền sở hữu, sử dụng chiếc xe ô tô mang biển số …………. theo giấy đăng ký ô tô
số ……… do công an ………. cấp ngày …………… Đăng ký lần đầu ngày …………… mang tên ông/bà: …………………. Địa chỉ: ………………………………………….
Nhãn hiệu : …………………………………………
Số loại : ………………………………………….
Loại xe : …………………………………………
Màu Sơn : …………………………………………
Số máy : …………………………………………
Số khung : …………………………………………
Số chỗ ngồi : …………………………………………
Năm sản xuất: …………………………………………
3/ Sổ Tiết kiệm có kỳ hạn số ……………. số tài khoản ………………… kỳ hạn …….. do Ngân hàng …………………., phát hành ngày …………….., ngày đến hạn ……………. mang tên …………… với số tiền là ……… VNĐ (Bằng chữ: …………..).
Sau khi tôi chết, di sản nêu trên của tôi được để lại cho: (2)
1/ Ông/bà: ………………………………….
Sinh ngày …. tháng …. năm …………
CMND/CCCD/Hộ chiếu số: …………………… do ……………………… cấp ngày ………………..
Hộ khẩu thường trú tại: ……………………………………………………………………………………….
2/ Ông/bà: ………………………………….
Sinh ngày …. tháng …. năm …………
CMND/CCCD/Hộ chiếu số: …………………… do ……………………… cấp ngày ………………..
Hộ khẩu thường trú tại: ……………………………………………………………………………………….
Ngoài ông/bà ………………, tôi không để lại tài sản nêu trên của mình cho bất cứ ai khác.
Ý nguyện của tôi: ………………………………………………………………
…………………………………………………………………………………………………………………………..
Sau khi tôi qua đời, (3) ……………………… được toàn quyền làm các thủ tục theo quy định của pháp luật để được đứng tên số tài sản nói trên theo bản di chúc này.
Di chúc này được tự tay tôi viết, thể hiện đầy đủ, dứt khoát ý chí của tôi, được lập thành (4) …. (…) bản, mỗi bản gồm … (…) trang…. (…) tờ.
NGƯỜI LẬP DI CHÚC
(Ký ghi rõ họ tên và điểm chỉ)
Chú thích:
1. Liệt kê đầy đủ thông tin về các tài sản gồm bất động sản và động sản kèm theo thông tin về các loại giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp của các tài sản trên.
2. Liệt kê chi tiết về thông tin nhân thân của người được hưởng di sản thừa kế
3. Người được hưởng di sản thừa kế theo di chúc
4. Viết bằng số và bằng chữ
Hướng dẫn cách viết di chúc
Di chúc là sự thể hiện ý chí muốn chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Theo quy định, Di chúc không bắt buộc phải công chứng, chứng thực. Tuy nhiên, để một di chúc được coi là hợp pháp thì phải thỏa mãn các điều kiện sau đây:
– Hình thức di chúc phải có tối thiếu các nội dung (Điều 631 Bộ luật Dân sự 2015):
+ Ngày, tháng, năm lập di chúc;
+ Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;
+ Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;
+ Di sản để lại và nơi có di sản
+ Những nội dung khác: ý nguyện của người để lại di chúc,…
– Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc, không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép
– Nội dung trong di chúc phải không vi phạm điều cấm pháp luật, không trái đạo đức xã hội
– Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu
– Nếu di chúc có nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc
– Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người viết di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa
Về tài sản người để lại di chúc:
Đây gồm toàn bộ những tài sản chung và tài sản riêng của người để lại di sản di chúc bao gồm thông tin và các giấy tờ chứng minh.
– Đối với tài sản là bất động sản như quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở hoặc tài sản gắn liền trên đất thì sẽ có thông tin về vị trí thửa đất, số tờ bản đồ, số thừa, diện tích đất, nguồn gốc sử dụng đất, … diện tích xây dựng, diện tích sàn, số tầng, năm hoàn thành xây dựng … của căn nhà, thông tin về giấy tờ sở hữu như cơ quan cấp, ngày tháng cấp, số phát hành….
– Đối với tài sản là động sản như xe ô tô, xe máy thì phải nêu được thông tin về biển số xe, số giấy đăng ký ô tô, ngày tháng năm cấp đăng ký xe, thông tin về chủ sở hữu, nhãn hiệu, số loại, màu sơn, số khung, số máy, loại xe….
– Đối với tài sản là thẻ tiết kiệm thì phải nêu được thông tin về ngân hàng nơi lập thẻ tiết kiệm, số tiền tiết kiệm, kỳ hạn gửi tiết kiệm, lãi suất gửi tiết kiệm…
Về việc để lại tài sản cho người khác sau khi chết:
Khi người để lại di chúc muốn để tài sản lại cho ai thì phần ghi thông tin của người (những người) nhận tài sản nên ghi càng cụ thể, chi tiết càng tốt.
Những nội dung về nhân thân của người nhận tài sản nên ghi rõ là: Họ tên, ngày tháng năm sinh, số chứng minh nhân dân, hộ chiếu, căn cước công dân với ngày cấp, cơ quan cấp, địa chỉ thường trú …. Nếu được có thể bổ sung cả thông tin về Giấy khai sinh nếu là người có quan hệ huyết thống và một số giấy tờ khác để chứng minh quan hệ (nếu có).
Về phần ý nguyện của người để lại di chúc:
Phần ý nguyện là phần nếu người để lại di chúc có gì muốn dặn dò thêm người nhận di chúc. Có thể có phần này hoặc không có phần này. Ví dụ về việc yêu thương anh em, trông nom nhà cửa…
CÔNG TY LUẬT ĐỖ GIA VIỆT
ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT TNHH ĐỖ GIA VIỆT
Giám đốc - Luật sư: Đỗ Ngọc Anh Công ty luật chuyên:Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy: Tổ 14 Phố Trạm, phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội.
Điện thoại: 0944 450 105
Email: luatsudongocanh@gmail.com
Hệ thống Website:
www.luatsungocanh.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai #thuhoino